Bối cảnh hội nhập kinh tế mở rộng, lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU không có nhiều đột phá. Do vậy, hướng tới châu Phi được coi là chiến lược đầu tư hiệu quả, bền vững.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay, trừ xuất khẩu gạo sang Ghana đạt giá trị 50,27 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn khác như Bờ Biển Ngà, Angola, An-giê-ri và Senegal đều có kim ngạch sụt giảm (Bờ Biển Ngà đạt 20,97 triệu USD, giảm 47%; An-giê-ri 2,84 triệu USD, giảm đến 84%;…).

Nguyên nhân sụt giảm được cho là do sự cạnh tranh gay gắt của gạo giá rẻ của Thái Lan, Ấn Độ. Trong quý 1, Thái Lan đã xuất khẩu sang châu Phi hơn 1 triệu tấn gạo với giá thấp hơn gạo Việt từ 5 đến 10 USD/tấn. Trong khi đó gạo của Ấn Độ và Pakistan tiếp tục có được những lợi thế về cước phí vận tải thấp hơn gạo Việt Nam nên giá rẻ hơn từ 30 đến 40 USD/tấn.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê sang một số nước châu Phi qua 4 tháng đầu năm cũng có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sang An-giê-ri đạt 39,48 triệu USD, tăng 92% so với cùng kỳ; sang Nam Phi 9,5 triệu USD, tăng 375%, sang Ai Cập 2,5 triệu USD, tăng 20%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu cũng có sự tăng trưởng trong đó xuất khẩu sang Ai Cập đạt 16,9 triệu USD, tăng 8%; Nam Phi 3,4 triệu USD, tăng 10%.

Đối với mặt hàng thủy sản, Ai Cập vẫn là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với mặt hàng chính là cá tra, cá ba sa. Xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập đã có sự phục hồi sau những bất ổn chính trị thời gian vừa qua với giá trị ước đạt 21,46 triệu USD, tăng 4% so với 4 tháng đầu năm 2013.

Đáng lưu ý, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Nam Phi, ngày 23/5 mới đây, tại thành phố Johannesburg, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi phối hợp với Phòng Thương mại thành phố Johannesburg đã tổ chức sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra của Việt Nam. Nhiều nhà khập khẩu của nước này đã đến dự và đánh giá cao món cá tra của Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng thủy sản sang 32 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 127 triệu USD.        

Theo Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu sang thị trường Châu Phi, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một loạt các hoạt động như tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về nhu cầu nhập nông sản và thủy sản của những thị trường tiềm năng trong khu vực, các quy định xuất nhập khẩu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, diễn đàn tại các địa phương;

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ chế và đề xuất ký kết các Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo như Bờ Biển Ngà, Công-gô, Burkina Faso... Đồng thời, theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về gạo đã ký (Sierra Leone, Ghi-nê, Comoros).

Về công tác xúc tiến thương mại, Bộ cũng tiếp tục tổ chức các đoàn giao thương, XTTM tại An-giê-ri, Ăng-gô-la, Nam Phi, Bờ Biển Ngà... trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản; phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và các ngân hàng thương mại châu Phi để tạo điều kiện cho việc thanh toán xuất nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thủ tục mở kho ngoại quan, mở văn phòng đại diện, chi nhánh, lập công ty tại một số thị trường gạo trọng điểm để bán hàng trực tiếp.

Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á sẽ phối hợp với các Thương vụ Đại sứ quán tại châu Phi thẩm tra đối tác, giới thiệu các cơ hội kinh doanh, đầu tư, khách hàng uy tín cho doanh nghiệp trong nước; vận động các nhà nhập khẩu châu Phi vào Việt Nam tham gia các sự kiện thương mại lớn và mua hàng.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang một số nước thuộc thị trường Châu Phi

Thị trường
Kim ngạch XK 4 tháng 2014 (USD)

Nam Phi

230.131.264
Ai Cập
105.612.733
Angieri
97.539.080
Mozambique
19.144.800
Xenegan
11.315.740
Kenia
11.155.822

Tanzania

8.452.279
Nguồn:Vinanet/ Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet