Thị trường Pakistan có nhu cầu nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như chè, hạt tiêu, cao su, thuỷ sản, vải sợi, sắt thép… Thị trường Pakistan không đòi hỏi cao về chất lượng hàng hoá nên hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xâm nhập thị trường Pakistan.

1. Chính sách thương mại

Bắt đầu từ năm 2000, Pakistan thực hiện chính sách đối ngoại “hướng đông”, phát triển quan hệ với các nước Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có quan hệ thương mại.

Chính sách thương mại tự do hoá, khuyến khích xuất khẩu đã được đưa ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng như cải thiện cơ hội tiếp cận thị trường, tăng cường hạ tầng xúc tiến thương mại, nâng cao năng suất và kỹ năng, phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao, chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua giảm chi phí kinh doanh và hội nhập theo chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường, đa dạng hoá mặt hàng và thị trường.

Ngoài ra, Pakistan hiện đang rất tích cực vận động để trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt nam - là một phần của cuộc vận động này.

Trong bối cảnh toàn cầu của các thỏa thuận thương mại song phương và thương mại khu vực, Pakistan tích cực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận ưu đãi thương mại, hiệp định thương mại tự do. Pakistan đã ký hiệp định thương mại tự do với với Srilanka (2005), Trung quốc (2006), với Malaysia (2007), hiệp định ưu đãi thương mại với Indonesia (2012).

Theo Hiệp định thương mại tự do Pakistan - Srilanka, sản phẩm chè nhập khẩu từ Srilanka được miễn thuế nhập khẩu.

Chiến lược xuất khẩu gồm các nội dung: tình báo thương mại; xúc tiến thương mại; nâng cao khả năng cạnh tranh; phối hợp đa ngành hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cập hạ tầng; hỗ trợ đào tạo; đa dạng hoá; chú trọng chất lượng. Biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu bao gồm: tạm nhập tái xuất; hoàn thuế toàn diện,…

Chiến lược nhập khẩu bao gồm giảm nhập siêu, chú trọng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ nâng cao khả năng cạnh tranh về số lượng và chất lượng của hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.

2. Chính sách xuất nhập khẩu
Thuế xuất nhập khẩu

Pakistan sử dụng hệ thống thuế quan hài hoà (HS) để phân loại và mô tả hàng hoá. Thuế xuất nhập khẩu được tính trên cơ sở giá trị của hàng hóa chứ không trên cơ sở trọng lượng hay số lượng của hàng hóa.

Bên cạnh thuế nhập khẩu, một số hàng hoá được sản xuất tại Pakistan và hàng nhập khẩu còn phải chịu thêm thuế doanh thu (15%).

Trợ cấp xuất khẩu: Chính phủ Pakistan khuyến khích xuất khẩu thông qua việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, thuế doanh thu và thuế thu nhập cũng như thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính xuất khẩu.

Ngoài ra, thuế nhập khẩu dành cho một số mặt hàng nguyên liệu dùng cho xuất khẩu còn được miễn thuế như sợi, thiết bị phụ tùng điện tử, thiết bị máy móc (tùy loại)…

Pakistan thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như mặt hàng dệt may trong đó mặt hàng xuất khẩu chính là chăn ga gối đệm (home textile, bed linen); mặt hàng da dê cừu và các sản phẩm xuất khẩu làm từ da dê cừu, mặt hàng dược phẩm và dụng cụ phẫu thuật; mặt hàng đá mỹ nghệ…

Bảng 1: Biểu thuế nhập khẩu của Việt nam đối với các mặt hàng xuất khẩu của Pakistan

Số TT
Mặt hàng
Biểu thuế
1
Dệt may (mã số thuế 6302)
8 %
2
Da dê cừu (mã số thuế 3901)
5 %
3
Dược phẩm (mã số thuế 3000)
9 %
4
Đá mỹ nghệ
15 %
5
Bông (các loại)

0%, 5%, 10% (tùy loại

6
Sợi các loại

5%, 10%, 12% (tùy loại)

7
Vải
12%
8
Thức ăn gia súc và nguyên liệu

0%, 3%, 7% (tủy loại)

9
Lúa mỳ
5%
10
Tân dược

0%, 5%, 7%, 8%, 14% (tùy loại

Bảng 2: Thuế suất nhập khẩu của Pakistan áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam

Số TT
Mặt hàng
Biểu thuế
1
Chè (các loại)
10%
2
Sắt thép (các loại)

5,10,15, 25% tùy loại

3
Hạt tiêu
5% (chưa nghiền)
4
Sợi (các loại)

0, 5, 10, 15, 25% tùy loại

5
Hạt điều
5%
6
Sản phẩm hóa chất
5, 10, 15%
7
Cao su nguyên liệu
0%
8
Chất dẻo nguyên liệu
5, 10 %
9
Săm lốp
20, 25%
10
Thủy sản
10%
11
Gốm sứ
25%
12
Sản phẩm mây tre, cói, thảm
5,10, 15%
3. Hàng rào thương mại

Chính sách thương mại năm 2008-09 của Pakistan vẫn là tiếp tục cấm nhập khẩu 39 mặt hàng, hạn chế nhập khẩu 93 mặt hàng mà hầu hết là những mặt hàng liên quan đến tôn giáo, môi trường, an ninh và sức khoẻ.

Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hiện nay Pakistan đang đưa ra quy định kiểm dịch 100% sản phẩm dừa nhập khẩu từ Việt nam vì Việt nam bị coi là có côn trùng bọ dừa có nguy cơ lây lan sang Pakistan. Quy định này tạo rào cản làm cho sản phẩm dừa, đặc biệt là sản phẩm cơm dừa của Việt nam không thể xâm nhập được vào thị trường Pakistan. Sản phẩm cơm dừa là sản phẩm đã qua chế biến nên không còn khả năng lây lan sâu bệnh, vì vậy nên được miễn kiểm dịch.

Hải quan Pakistan quy định hàng nhập khẩu sau khi đã mở tờ khai hải quan thì không được tái xuất. Một số doanh nghiệp Pakistan đã lợi dụng quy định này để gây sức ép lên các doanh nghiệp nước ngoài trong dó có doanh nghiệp Việt nam để trục lợi, thậm chí lừa đảo, tạo nên rào cản tâm lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

4. Các hàng cấm nhập và hạn chế nhập khẩu

Các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định pháp luật bao gồm: vũ khí và đạn dược, chất nổ, chất phóng xạ, tiền tệ, thiết bị đúc tiền và mực in tiền, và đồ uống có cồn.

Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu bao gồm: động vật sống, tinh trùng và tế bào mô động vật, thuỷ sản, thực vật, hạt giống, hoa quả, lúa mỳ, dầu cọ, thuốc lá, chất phóng xạ,…

(Nguồn: Vinanet, Tạp chí Công Thương)

Nguồn: Vinanet