Mối quan hệ kinh tế Việt Nam- Lào đang có xu hướng chuyển mạnh từ thương mại thuần túy sang đầu tư. Các kỳ hội chợ Việt Nam tại Lào do Bộ Công Thương tổ chức đã ghi nhận xu hướng doanh nghiệp chú trọng tới việc ký kết liên doanh.

 

Sự gắn kết nguồn lực, thế mạnh của hai nước trong một chuỗi sản xuất chung là giá trị khác biệt của quan hệ đối tác kinh tế Việt Nam- Lào với các nước khác. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Lào đang định hình xu hướng này, lĩnh vực trồng cây nông nghiệp là một ví dụ. Dự án trồng 5.000 ha cà phê của Tập đoàn Thái Hoà tại Champasak được triển khai theo hình thức công ty cổ phần, theo đó người dân Lào góp vốn bằng đất, được đào tạo kỹ thuật canh tác. Sau 11 năm khi dự án thu hồi vốn thì chuyển giao lại vườn cà phê cho nông dân Lào và doanh nghiệp chỉ tập trung vào khâu thu mua, chế biến và thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cà phê Lào trên thị trường quốc tế.

 

Chuỗi giá trị chung đó tạo ra giá trị gia tăng, hài hòa lợi ích, góp phần giúp Lào nâng cao trình độ sản xuất, phát triển nhân lực hiện đại và xây dựng thương hiệu hàng hóa trên thị trường thế giới. Điều đó khiến quan hệ Việt Nam– Lào đặc biệt trên mọi góc độ kinh tế hay tình hữu nghị.

 

Hiện tại, sau một giai đoạn phát triển, lĩnh vực sản xuất của Lào đang bước vào giai đoạn mới với năng lực dư thừa nhiều loại hàng hoá và cần tiếp cận thị trường, đặc biệt thị trường bên ngoài bởi Lào có quy mô dân số nhỏ nên không có thị trường nội địa đủ lớn để tạo đà cho phát triển.

 

Tiếp cận thị trường quốc tế, Lào rất cần sự hỗ trợ của quốc tế và Việt Nam cần có một vai trò nổi bật. Kinh nghiệm đi trước về hội nhập toàn cầu của Việt Nam chia sẻ với Lào hiệu quả nhất qua các hình thức hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đích đến cuối cùng của hợp tác sản xuất Việt Nam- Lào là cùng nhau tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Công thức hợp tác 3+2 (đất đai, nhân lực của Lào kết hợp với vốn, công nghệ, thị trường của Việt Nam) đang phát huy hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép đầu tư hàng chục nghìn ha cao su ở Lào.

 

Tuy nhiên, việc gắn kết sản xuất hai nước thành một chuỗi giá trị gặp trở ngại từ một số hạn chế của Lào về cơ sở hạ tầng cho kinh doanh, nhân lực… Với đặc thù địa hình của Lào hẹp chiều ngang và đường biên giới dài giữa hai nước, hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu là lời giải tốt cho bài toán khó này.

 

Bộ trưởng Công Thương Lào Nam Vijaketh trong chuyến thị sát các cửa khẩu dọc tuyến biên giới Việt- Lào đã nói: “Phải để cho các cặp khu thương mại biên giới “lấy nhau” rồi chúng sẽ sinh sôi sự thịnh vượng cho hai nước”.

 

Các cặp khu kinh tế với hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh sẽ là những cơ sở tốt cho hoạt động sản xuất chung giữa hai nước, kết hợp những thế mạnh hai bên, giải quyết được những điểm hạn chế của Lào nhưng vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích cho Việt Nam và Lào.

 
Nguồn :baocongthuong.com.vn

Nguồn: Vinanet