Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với châu Âu có thể giảm bớt những rào cản thương mại, và giúp Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu.

Cơ hội tăng thị phần xuất khẩu

Việt Nam chính thức trở thành một thành viên của Hiệp định TPP vào tháng 11/2010. Hiệp định TPP hiện tại có 12 thành viên. Theo nhận định của ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể là quốc gia chiến thắng lớn nhất trong đàm phán TPP12, bởi nguyên nhân chính là Việt Nam chưa ký kết hiệp định FTA với Mỹ. Ngoại trừ Brunei, Malaysia, Nhật Bản và New Zealand, tất cả những quốc gia khác trong TPP12 đều đã ký kết hiệp định FTA với Mỹ và đã được hưởng các mức thuế suất song phương thấp.

Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tới các nước TPP chủ yếu là sản phẩm dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản, dầu thô, cà phê, gạo, hạt điều, cao su, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử và linh kiện… Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy tính và thiết bị điện tử, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, hóa chất, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may da giày…

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đối mặt với mức thuế suất nhập khẩu tương đối cao của Mỹ từ mức 4,5% đến 14% cho hàng may mặc và 10,4% đối với hàng giày dép.

Một khi được áp dụng, Hiệp định TPP sẽ giảm các mức thuế nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm của Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của quốc gia. Nhưng để đạt được lợi ích này, Việt Nam phải vược qua một vài vấn đền về phi thuế quan quan trọng.

Các nhà đàm phán cho Hiệp định TPP đã gặp nhau tại TP.HCM vào ngày 12/5/2014, nhằm đạt được thỏa thuận đúng như lịch trình cho cuộc gặp cấp bộ trưởng về Hiệp định TPP trong ngày 19- 20/5/2014. Vòng đàm phán mới nhất sẽ diễn ra sau khi Nhật và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định TPP có các cuộc đối thoại với nhau, đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết những vấn đề song phương sau khi Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barrak Obama gặp nhau vào tháng 4 vừa qua.

Nếu như Hiệp định TPP thành công, xuất khẩu dệt may, quần áo và giày dép của Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi Việt Nam tham gia TPP thì một trong những lợi ích lớn nhất là lợi ích của ngành dệt may có thể xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với thuế xuất bằng không.

Việt Nam có năng lực cạnh tranh trong ngành nông nghiệp và ngành sản xuất tập trung nhiều lao động chủ yếu nhờ vào dân số đa phần ở khu vực nông thôn. So sánh về sản xuất đồ da có thể thấy Việt Nam có lợi thế hơn so với Trung Quốc, về lao động giá rẻ và sản phẩm giá trị đa phần là gia công. Ví dụ như mức lương hàng tháng trung bình lao động có kỹ năng của Trung Quốc là khoảng 296-562 USD, Việt Nam chỉ có 119-140 USD…

HSBC cho rằng, những nỗ lực tự do hóa thương mại như hiệp định TPP và hiệp định FTA với châu Âu sẽ giúp hoạt động xuất khẩu và đầu tư dễ dàng hơn bằng cách tận dụng những cơ hội tiếp cận thị trường ngày càng tăng. Với những thuận lợi đó, nhiều hàng hóa của Việt Nam dự kiến sẽ được xuất khẩu đến nhiều nước trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành xuất khẩu của Việt Nam bị mắc kẹt ở chuỗi giá trị thấp hơn với những sản phẩm xuất khẩu là gạo, cà phê Robusta, dầu thô, dệt may hay phụ tùng điện tử.

Các sản phẩm nông nghiệp cũng đa phần là những sản phẩm thô hơn là những mặt hàng đã qua chế biến nên buộc những người nông dân phải cạnh tranh về số lượng. Những mặt hàng sản xuất thì chủ yếu tận dụng nguồn lao động ít có sự đầu tư địa phương. Quá trình vận chuyển, thủ tục thương mại cồng kềnh và tổ chức chuỗi cung ứng không hiệu quả là những lý do chính khiến Việt Nam bị mắc kẹt ở những sản phẩm giá trị thấp.

Với tỷ lệ tăng trưởng dân số lao động dự kiến sẽ giảm trong hai thập niên tới và những cánh đồng canh tác nông nghiệp sẽ dần biến mất theo thời gian, không đề cập đến việc cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực, chiến lược phổ biến không có bền vững trong một giai đoạn dài. Chính vì vậy, Việt Nam đang chuẩn bị đưa nền kinh tế của mình tiến lên với chuỗi giá trị cao hơn.

Khó khăn cần vượt qua

Có tới 90% thương mại quốc tế của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển (từ dầu thô cho đến sản phẩm gạo). Điều này có nghĩa rằng dịch vụ logistics cho hoạt động giao thương hiệu quả có thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu.

Dịch vụ vận chuyển hàng bằng đường biển của Việt Nam đang được cải thiện, theo Chỉ số Kế nối Vận chuyển đường biển của UNCTAD (LSCI), kết quả hoạt động của hoạt động giao thương của một quốc gia từ thủ tục hải quan đến cơ sở hạ tầng chỉ được cải thiện rất ít. HSBC cũng chỉ ra rằng, vấn đề là sự kết nối đất liền trong đó cơ sở hạ tầng không đủ để hỗ trợ cho dịch vụ giao thông và dịch vụ logistics hạng nặng.

Ví dụ, mặc dù Việt Nam có mật độ giao thông trên đường cao tốc tương ứng với mức trung bình trong khu vực nhưng chất lượng đường cao tốc của Việt Nam lại rất thấp. Trong tổng số các con đường của Việt Nam chỉ có 7% là đường cao tốc quốc lộ và 90% chỉ có hai làn xe và trong đó chỉ có 43% là đang trong điều kiện tốt. Chỉ có gạo được vận chuyển đến cảng do sử dụng hệ thống đường thủy, đa số các sản phẩm nông sản được vận chuyển đến cảng bằng đường bộ. Điều này có nghĩa là những hàng hóa dễ hư hỏng như tôm phải di chuyển trên một đoạn đường dài với chất lượng đường xá rất kém.

Để dễ hình dung, California có tổng sản phẩm toàn bang đạt 2.000 tỷ USD (lớn thứ tám trên thế giới) chỉ có 11 cảng. Điều này có nghĩa rằng vấn đề gây tác hại cho Việt Nam là hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho ba cảng bận rộn nhất hơn là những cảng đang có sẵn. Khó khăn chính yếu cho quá trình vận chuyển giữa Hải Phòng đến Hà Nội; cảng Sài Gòn và cảng Cái Mép đến TP.HCM (TPHCM) và ) Hà Nội đến TPHCM.

Lấy cảng Sài Gòn làm ví dụ, để đến được cái điểm đến, xe tải phải chạy xuyên qua TPHCM nơi mà kẹt xe luôn là vấn đề mỗi ngày. Cảng Cái Mép ở khu vực Vũng Tàu có đỡ hơn nhờ vào cao tốc bốn làn xe (Quốc lộ 51). Tuy nhiên, những con đường nhánh giữa Quốc lộ 51 và những điểm đến khác vẫn còn đó những vấn đề.

May mắn thay, dịch vụ logistics dự kiến sẽ được cải thiện ở Việt Nam bắt đầu từ năm nay khi các nhà vận chuyển toàn cầu được phép hoạt động mà không có sự kiềm chế nào. Việc xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics lớn ở Hải Phòng và Cái Mép sẽ có thể cung cấp dịch vụ nhanh hơn với giá rẻ hơn.

Vai trò của Chính phủ

HSBC nhận định, vai trò Nhà nước rất quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại dễ dàng hơn. Từ khóa chính là tạo điều kiện thuận lợi. Việc đầu tư quá mức của Việt Nam ở các cảng biển cho thấy những dự án cơ sở hạ tầng chỉ có ích khi các cảng này gia tăng hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, có quá nhiều cảng biển mà lại không xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ để hỗ trợ cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu chính yếu là một sự đầu tư không có hiệu quả.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt với sự dẫn dắt của Nhà nước đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thập niên vừa qua.

Tuy nhiên, đa số các hoạt động đầu tư này rất lãng phí. Phần đóng góp của Nhà nước trong tổng hoạt động đầu tư đạt 37,8% trong năm 2012 tăng hơn so với mức 9% trong năm 2000.

“Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng thực thi vai trò tạo điều kiện thuận lợi. Những biện pháp chính sách gần đây cho thấy có nhiều cải tổ có mục tiêu hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu không chỉ nhờ vào sản lượng mà là chú trọng đến giá trị”, HSBC nhận định.

Con đường phía trước khá rõ ràng: đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những đơn vị sản xuất có năng suất sẽ giúp các công ty đạt được lợi nhuận từ xuất khẩu. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn 127 dự án công có nhu cầu đầu tư nước ngoài đến năm 2020 bao gồm lọc dầu, sân bay và đường sắt.

Chính vì vậy, những rào cản thương mại sẽ ngày càng được giải quyết cả về chủ quan lẫn khách quan. Kết quả thành công của hiệp định TPP và hiệp định FTA với châu Âu sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam vươn ra tầm xa mới.

Nguồn: VnMedia