Ngày 30 tháng 3 năm 2011, Diễn đàn Logistics và Dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh Hội nhập kinh tế quốc tế do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức đã chính thức khai mạc.

 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế (giai đoạn 2011-2015), nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều về cơ hội và thách thức trong việc triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến dịch vụ logistics, hậu cần thương mại, dịch vụ cảng biển ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Sáng kiến tổ chức Diễn đàn được triển khai xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 8 năm 2010: “Kinh tế cảng sẽ là kinh tế chủ đạo của Bà Rịa - Vũng Tàu, phải xây dựng thành đô thị cảng trung tâm của cả nước. Kinh tế cảng sẽ là mũi nhọn đủ sức và đủ tầm tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trong giai đoạn tới”.

 

Logistics là một loại hình hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền. Hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Sự phát triển dịch vụ logistics có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho việc vận hành sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được về thời gian và chất lượng của các loại hình dịch vụ khác. Logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Hiện nay, logistics được ghi nhận như một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp cả trong khu vực sản xuất lẫn trong khu vực dịch vụ.

 

Diễn đàn Logistics và Dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh Hội nhập kinh tế quốc tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam và khoảng 400 đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và dịch vụ cảng biển, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tài chính. Sự kiện quan trọng này cũng đã nhận được sự quan tâm của các Nhà tài trợ: Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III; Liên doanh VIETSOPETRO; Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC); Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT); Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); Công ty cổ phần Dịch vụ XNK NLS & Phân bón Bà Rịa; Tân cảng Cái Mép; Loyds Rigister Asia; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Bà Rịa; Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11); Tân cảng Sài Gòn; Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam.

 

Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực thực thi cải cách và hiện đại hoá logistics, giao nhận vận tải, hải quan, quản lý chuyên chở, quản lý cảng biển, thuận lợi hoá thương mại và chuyên chở hàng hải… đến từ Singapore, CHLB Đức, Vương quốc Anh thuyết trình tại Diễn đàn một số kinh nghiệm phát triển thành công từ một số quốc gia trong khu vực và thế giới, đồng thời đưa ra các khuyến nghị giải pháp để giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung có định hướng đúng trong chiến lược phát triển logistics bền vững và khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. GS.TS Võ Đại Lược, PGS.TS Trần Đình Thiên và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực logistics trong nước cũng chia sẻ các quan điểm riêng đề cập đến chiến lược phát triển lĩnh vực này ở nước ta phù hợp với các cam kết mà Việt Nam tham gia trong WTO cũng như trong các hiệp định thương mại với các đối tác khác.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Nói về dịch vụ logistics toàn cầu thì cảng biển được xem là một mắt xích quan trọng nhất và không thể thiếu, do vậy sự thiếu hụt hay yếu kém của cảng biển và các dịch vụ hậu cần sau cảng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho hoạt động logistics. Trong những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn của thị trường, hệ thống cảng biển nước ta đã và đang được đầu tư xây dựng với quy mô ngày càng lớn và trang thiết bị xếp dỡ tiên tiến hiện đại. Một số dự án đã được đưa vào sử dụng trong năm 2009-2010 như: Cảng SP-PSA tiếp nhận tàu lên tới 12 vạn DWT, đón được chuyến tàu chạy thẳng từ Việt Nam sang Mỹ và Canada; Cảng Cái Mép Thượng tiếp nhận tàu từ 8 đến 10 vạn DWT; v.v…”.

Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: “Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi Việt Nam phải chủ động phát huy tối đa những lợi thế của mình trong phân công lao động và hợp tác quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh đồng thời khắc phục những tác động bất lợi có thể phải đối mặt trong quá trình hội nhập. Trong quá trình này, kinh tế biển nói chung và cảng biển nói riêng là một thế mạnh mà Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác”.

 

Trong bài tham luận "Hậu cần thương mại và các cách thức nhằm đẩy mạnh dịch vụ logistics và cảng biển sử dụng các thế mạnh quốc gia", ông Jan Tomczyk, chuyên gia Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, đến từ Viện Logistics và Vận tải - Vương quốc Anh, trình bày các định nghĩa và quan niệm của châu Âu về Logistics, so sánh với định nghĩa của Việt Nam quy định trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

 

Theo khảo sát của chuyên gia Tomczyk, ngành logistics Việt Nam chiếm khoảng 15-20% GDP, tương đương 12 tỷ USD, trong đó vận tải chiếm khoảng 40-60% giá trị logistics. Ngành logistics tăng trưởng hàng năm khoảng 18-20%. Hiện nay, Việt Nam có trên 800 công ty cung cấp dịch vụ logistics, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Cũng theo ông Tomczyk khuyến nghị, dịch vụ logistics và cảng biển của Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa, nếu quan tâm xem xét đến một số khía cạnh sau: Tiếp cận theo phương pháp "tổng lực chính phủ" (whole of government), tương tự như chiến lược dịch vụ hải quan của Australia, tầm nhìn 2015; Thực thi tốt chiến lược cảng biển Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia giỏi; Thực thi các luật quốc tế và khu vực, vận dụng các bài học kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn cách đi phù hợp cho Việt Nam.

Moit.gov.vn

Nguồn: Vinanet