Nước xúât xứ của hàng hoá là nước chế  tạo, sản xuất hoặc nuôi trồng ra hàng hoá. Tuy nhiên, trong điều kiện quốc tế hoá sản xuất hiện nay, không phải không có phức tạp và khó khăn trong việc xác định nước xuất xứ hàng hoá, bởi vì rất nhiều hàng hoá được sản xuất, chế tạo hoặc lắp ráp từ các nguyên phụ liệu, linh kiện, bộ phận được sản xuất từ nhiều nước khác nhau.

Nguyên tắc chung và cơ bản để xác định nước xuất xứ của hàng hoá là dựa vào sự biến đổi đặc tính và giá trị gia tăng của hàng hoá. Theo nguyên tắc này, nước xuất xứ của hàng hoá là nước cuối cùng sản xuất ra hàng hoá đó đã biến dạng để mang tên mới và có đặc tính sử dụng mới. Ví dụ, túi xách tay sản xuất ở Việt Nam bằng da nhập khẩu được coi là hàng có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong trường hợp nước cuối cùng sản xuất ra hànghoá chỉ tiến hành những công việc lắp ráp đơn giản, không tạo ra bản sắc riêng của hànghoá hoặc trị giá gia tăng được tạo ra quá thấp thì nước cuối cùng sản xuất ra hàng hoá đó cũng không được coi là nước xuất xứ hànghoá. Ví dụ, để được coi là hàng có xuất xứ từ Thái Lan để được hưởng GSP của Hoa Kỳ thì hàng đó phải có ít nhất 35% giá trị gia tăng được tạo ra tại Thái Lan.

Do vậy, ngoài nguyên tắc chung và cơ bản nêu trên, còn có những qui định cụ thể cách xác định nước xuất xứ hàng hoá cho một số hàng hoá cụ thể.

Đánh dấu xuất xứ hàng hoá

Luật thúê quan năm 1930 yêu cầu tất cả hàng hoá nhập khẩu (trừ một số trường hợp ngoại lệ) phải được đánh dấu nước xuất xứ bằng tiếng Anh một cách rõ ràng, dễ đọc, ở chỗ dễ thấy và không thể tẩy xoá được để có thể tồn tại cho đến khi hàng hoá đến tay người mua cuối cùng. Người mua cuối cùng là người cuối cùng nhận được hàng hoá nguyên dạng như khi nhập khẩu. Đối với hàng nguyên liệu thì người mua cuối cùng có thể là người sản xuất dùng nguyên liệu đó để sản xuất ra hàng hoá khác. Đối với hàng tiêu dùng thì người mua cuối cùng có thể là người tiêu dùng. Mục đích của qui định này chủ yếu là nhằm giúp cho người mua hàng có thêm thông tin để lựa chọn hàng hoá.

Luật không cho phép ghi trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá có xuất xứ nước ngoài như “United States” hoặc “U.S.A”, hoặc tên bất kỳ thành phố hoặc địa điểm nào ở Hoa Kỳ để tạo cảm giác là hàng được sản xuất tại Hoa Kỳ, trừ phi trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá có ghi kèm một cách rõ ràng ở chỗ dễ thấy nước xuất xứ của hàng hoá.

Hàng nhập khẩu vi phạm qui định đánh dấu xuất xứ sẽ bị Hải quan giữ lại. Hải quan có thể yêu cầu người nhập khẩu nộp thutế vi phạm qui định đánh dấu xuất xứ bằng 10% trị giá hàng vi phạm trừ phi hàng đó được tái xuất, tiêu huỷ hoặc đánh dấu xuất xứ dưới sự giám sát của Hải quan. Đối với người xuất khẩu, vi phạm đánh dấu nước xuất xứ có thể bị Hải quan lưu vào “sổ đen” máy tính và để ý kiểm tra kỹ hơn các lô hàng xuất sau đó.

Luật Thúê quan chỉ qui định chung chung về cách đánh dấu xuất xứ hàng hoá như nêu trên, song Qui chế Hải quan có qui định cụ thể cách thức đánh dấu nước xuất xứ cho một số loại hàng hoá thuộc nhóm hàng công cụ và dụng cụ kim loại, nhóm hàng hoá này, việc đánh dấu nước xuất xứ có thể phải được thực hiện ngay trong quá trình sản xuất. Ví dụ, tên nước xuất xứ hàng hoá có thể phải thiết kế từ khuân đúc để in lên sản phẩm.

Do vậy, trước khi triển khai sản xuất hoặc thậm chí ngay từ khi thương thảo hợp đồng, người xuất khẩu nên kiểm tra và thống nhất với người nhập khẩu về cách đánh dấu xuất xứ hàng hoá để tránh tranh chấp và phí tổn có thể xẩy ra cho cả hai bên. Đặc biệt đối với những lô hàng tồn ko hoặc có sẵn đã đánh dấu xuất xứ hàng hoá có sẵn đó có phù hợp với qui định của Hải quan Hoa Kỳ hay không.

Có một số mặt hàng được miễn đánh dấu xuất xứ . Danh mục những mặt hàng đó có thể tìm trên trang web của Hải quan Hoa Kỳ: www.cbp.gov

Nguồn: Vinanet