Thủ tục hải quan

1. Thực tiễn sử dụng phương thức giao hàng tại kho Ngoại quan của các doanh nghiệp nước ngoài tại Argentina. Những thuận lợi, khó khăn, rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư, mua hoặc thuê kho ngoại quan tại Argentina. Đề xuất các hướng, địa bàn đầu tư, mua hoặc thuê kho ngoại quan có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trên lãnh thổ của Argentina có 9 khu thương mại tự do (khu phi thuế quan) hiện đang hoạt động, tại các tỉnh của đất nước, có mô hình hoạt động, cơ chế hoạt động, luật hoạt động, có tác động và hiệu quả đến nền kinh tế của Argentina nói chung và đối với buôn bán quốc tế nói riêng. 9 khu thương mại tự do đó là : Khu thương mại tự do La Plata thuộc tỉnh Buenos Aires; Khu thương mại tự do Cordoba thuộc tỉnh Cordoba; Khu thương mại tự do Lujan de Cuvo thuộc tỉnh Mendoza; Khu thương mại tự do Puerto Iguazu thuộc tỉnh Misiones; Khu thương mại tự do Justo Daract thuộc tỉnh San Luis; Khu thương mại tự do Cruz Alta thuộc tỉnh Tucuman; Khu thương mại tự do General Pico thuộc tỉnh La Pampa; Khu thương mại tự do Comodoro Rivadavia thuộc tỉnh Chubut; Khu thương mại tự do General Quemes thuộc tỉnh Salta.

Sau đây là đề xuất hướng, địa bàn đầu tư, mua hoặc thuê kho ngoại quan ở Khu thương mại tự do LA PLATA, một trong những Khu thương mại tự do lớn của Argentina, đang hoạt động rất có hiệu quả tại đất nước này.

Khu thương mại tự do La Plata (LA PLATA FREE TRADE ZONE – LPFTZ)

Khu thương mại Tự do la Plata đặt tại ENSENADA, một tỉnh của Buenos Aires, cách thủ đô 60 km về phía Nam, trung tâm công nghiệp của Argentina, có diện tích là 70 ha, bắt đầu hoạt động từ năm 1997, như là một công ty hành chính. Nhiệm vụ chính là cung cấp cho các nhà xuất nhập khẩu những giải pháp hợp lý, cần thiết cho buôn bán quốc tế, do đó cũng đã thu hút nhiều loại khách hàng quan tâm đến khu này. Với vị trí rất thuận lợi cho vận tải và tàu bè ra vào khu này. Đây là một trung tâm buôn bán và phân phối từ Nam Mỹ đi khắp thế giới.

Mô hình hoạt động và hành lang pháp lý

Như đã đề cập ở trên, khu thương mại tự do La Plata (LPFTZ) nằm cách thủ đô Buenos Aires 60 km, cách sân bay quốc tế EZEIZA 80 km, gần biển, thuận tiện và giảm chi phí cho các loại hình vận tải (hàng không , đường sắt, đường bộ, đường biển) và tàu bè ra vào. Ngoài ra LPFTZ còn đặt tại một tỉnh của thủ đô Buenos Aires, nơi có mật độ dân cư đông (68,1%), là nơi có tổng sản phẩm quốc dân lớn (chiếm trên 75,9%) và tập trung nhiều khu công nghiệp (80%), từ đó có thể xuất khẩu (81,2%) và nhập khẩu (84,6%) đi khắp thế giới. Với diện tích 70 ha, LPFTZ có những hệ thống đường sá, các dịch vụ trong đó và là một khu thương mại tự do có hiệu quả cao .

Phân loại các khu miễn thuế ở LPFTZ :

1. Khu miễn thuế thương mại (Zona Franca Comercial)

Chủ yếu để  bốc dỡ hàng hóa, lưu cất, đóng bao bì và phân phối hàng hóa. Thường gắn liền với các hoạt động của cảng hoặc sân bay.

2. Khu dịch vụ tài chính (Zona de Servicios Financieros)

 Để khuyến khích các ngân hàng, công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác.

3. Khu kinh tế đặc biệt  (Zona Económica Especial)

Là một khu được hưởng quy chế kinh tế đặc biệt.

4.Vùng ngoại thương (Zona de Comercio Exterior)

Được sử dụng tại Mỹ, khoảng 70% các sản phẩm của các khu này được nhập để sử dụng trong thị trường nội địa.

5. Khu gia công (Maquiladoras)

Đây là mô hình có xuất xứ từ Mêhicô, cho phép thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài. Các công ty này có quyền chuyển về nước lợi nhuận.

6. Khu chế xuất hoặc Khu miễn thuế công nghiệp (Zona de Procesamiento de Exportaciones o Zona Franca Industrial)

Là khu chế biến nguyên liệu và thành phẩm được xuất khẩu hoặc cung cấp cho thị trường trong nước.

Trong khu LPFTZ, có thể thuê các diện tích khác nhau từ 1000 m2 trở lên để xây dựng kho tàng hoặc xưởng sản xuất công nghiệp, thuê trụ sở làm việc, phòng trưng bày hàng, triển lãm, phòng Hội nghị, Hội thảo, bãi chứa Container v.v...

Hiện tại có trên 180 pháp nhân, thể nhân, các công ty đa quốc gia hàng đầu trên thế giới đã hoạt động ở LPFTZ, xây dựng trên 130 các kho hàng ở đây với tổng diện tích 142.324 m2, thuê xây dựng trụ sở hoặc thuê kho, bãi Container, phòng trưng bày hàng, trụ sở thường xuyên ở LPFTZ.

Hành lang pháp lý:

Khu LPFTZ hoạt động tuân theo những luật dưới đây (Luật hải quan, thuế nội địa, luật thuế giá trị gia tăng, các biểu thuế, hiểu biết các loại thuế v.v...):

      - Luật số 24.331

      - Luật số 12/045

      - Luật số 11459

      - Quyết định hoạt động số 6/98 (05-2-1998)

      - Quyết định hoạt động số 8/97

      - Quyết định số 420/94

      - Quyết định số 8/94

      - Quyết định số 2.784

      - Quyết định số 3543

      - Quyết định số 3235/96

      - Sắc lệnh số 1788/93

      - Sắc lệnh số 4588/93

      - Thông tư số 1345/96

Một trong những luật quan trọng hiện đang áp dụng, luật số 24.331, xin trích dịch:

Luật số 24.331 về khu miễn thuế được thông qua ngày 18/5/1994

Định nghĩa: là khu vực nơi hàng hóa không chịu sự kiểm soát thường lệ của hải quan và không bị thuế khi vào hoặc ra khu vực đó, trừ thuế dịch vụ có thể có, và không bị những cấm đoán về mặt kinh tế.

Việc thành lập các khu miễn thuế nhằm mục đích thúc đẩy thương mại và công nghiệp xuất khẩu và thông qua việc tăng cường hiệu quả và giảm chi phí các hoạt động kinh doanh tại đó sẽ thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm.

Có thể nhập hàng hóa và dịch vụ có hoặc không có trong danh sách được phép nhập khẩu, trừ vũ khí đạn dược và hàng hóa không hợp với thuần phong mĩ tục và có hại cho sức khỏe, an ninh và môi trường.

Các dịch vụ cơ bản được cung cấp trong khu miễn thuế: gồm thông tin liênlạc, khí đốt, điện, cấp và thoát nước đều được miễn thuế .

Chỉ có Chính phủ liên bang mới có thẩm quyền thiết lập mỗi tỉnh một khu miễn thuế. Tuy nhiên có thể xây  dựng thêm nhưng không quá 4 khu miễn thuế trên toàn quốc tại những vùng có khó khăn về kinh tế và/hoặc khu vực biên giới.

Khu miễn thuế phải được xây dựng ở những khu vực là động lực phát triển của các vùng và phải sử dụng nhân lực và nguồn lực vật chất ở các vùng đó.

Tại khu miễn thuế có thể tiến hành các hoạt động lưu kho, thương mại, dịch vụ và công nghiệp. Trong trường hợp tiến hành các hoạt động công nghiệp, sản phẩm làm ra phải được xuất khẩu sang các nước thứ ba. Tuy nhiên, tại các khu miễn thuế có thể sản xuất máy móc thiết bị mà trước đó trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu các sản phẩm đó. Khi nhập khẩu, sẽ phải đóng thuế nhập khẩu như bình thường.

Chính phủ liên bang có thẩm quyền cấp phép các hoạt động kinh doanh bán lẻ tại một khu miễn thuế ở các thành phố và địa phương biên giới có các khu miễn thuế ở bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ của mình khi cần thiết.

 Không được cho một người sử dụng (thể nhân, hoặc pháp nhân trong nước hoặc nước ngoài) thuê toàn bộ khu miễn thuế hoặc nhiều người sử dụng thuê, nhưng trên thực tế chỉ là một (để tránh độc quyền).

Những người sử dụng khu miễn thuế không được hưởng những ưu đãi của các chương trình xúc tiến công nghiệp, vùng hoặc ngành ở Argentina.

I/ Những lợi thế về thuế đối với các hoạt động :

Hàng hóa xuất khẩu hoặc chuyển tải vào LPFTZ sẽ được miễn thuế, cũng như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập.

1/ Thuế giá trị gia tăng (VAT): Trong giai đoạn đầu, chẳng hạn muốn xây dựng một nhà máy ở LPFTZ, tất cả mọi nguyên liệu cho việc xây dựng khi đưa vào LPFTZ đều không bị đánh thuế (theo chế độ ưu đãi về lãnh thổ thuế quan chung) hoặc đối với nước thứ 3.

Trong quá trình xây dựng, nếu cần nhập khẩu thiết bị và máy móc thì cũng sẽ được xem xét và miễn thuế theo điều 24, Luật số 24.331. Các nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất khi đưa vào LPFTZ cũng sẽ được miễn thuế và thuế giá trị gia tăng. Các thiết bị tiêu thụ điện, gas, nước, viễn thông cũng được xem xét và miễn các loại thuế theo điều 26, Luật số 24.331. Khi xuất khẩu các sản phẩm cuối cùng sang nước thứ 3, nhìn chung sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng.

2/ Thuế xuất khẩu:

a/ Xuất khẩu các nguyên vật liệu thô vào LPFTZ: Điều 27, Luật số 24.331 qui định: “Những hàng hóa đưa vào khu LPFTZ, vào lãnh thổ thuế quan chung (TAG) hoặc lãnh thổ thuế quan đặc biệt (TAE) sẽ được coi là hàng ký gửi”. (Không phải là xuất khẩu tạm thời, nhưng cũng không phải là xuất khẩu cuối cùng).

      b/ Xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất ở trong khu LPFTZ sang các nước thứ 3:

      Điều 25, Luật số 24.331/94 qui định: “ Hàng hóa xuất khẩu sang các nước thứ 3 từ khu LPFTZ sẽ được miễn thuế đối với những hàng nhập khẩu để sử dụng hoặc có tác động đến sản xuất hoặc để sản xuất, loại trừ các dịch vụ thuê mướn”.

      3/ Thuế thu nhập:

      Theo Luật số 12.045, tất cả các giao dịch bán hàng được thực hiện trong khu LPFTZ, chuyển tiếp và xuất khẩu ra khỏi khu LPFTZ đều được miễn thuế thu nhập.

      II/ Những lợi thế về thương mại :

      Theo điều 24, Luật số 24.331 qui định: “Những hàng hóa đưa vào khu LPFTZ với mục đích xây dựng kho tàng, văn phòng, các đồ gỗ và các hàng hàng hóa chủ yếu để sử dụng trong khu LPFTZ cũng như các mặt hàng cho người lao động sử dụng trong khu LPFTZ, sẽ không bị đánh thuế nhập khẩu, thuế hải quan và các loại thuế trong nước khác”.

      2. Thực tiễn sử dụng phương thức giao hàng tại kho ngoại quan của các doanh nghiệp Argentina. Sự hỗ trợ về mặt chính sách, tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Tác động đối với xuất khẩu:

      1/ Hàng lưu kho:

      a/ Hàng hóa đến từ các nước thứ 3: chỉ những hàng hóa có đích xuất khẩu cuối cùng vào lãnh thổ thuế quan chung hoặc sang nước thứ 3. Trong trường hợp này, hàng hóa sẽ được lưu kho tại LPFTZ, được miễn thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong một thời gian tối đa là 5 năm.

      b/ Hàng hóa đến từ lãnh thổ trong  nước: Trong trường hợp xuất khẩu sang các nước thứ 3, khi đưa vào khu LPFTZ đã được miễn thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng, nhưng khi xuất khẩu sẽ bị đánh thuế.

      2/ Chi phí đánh vào hàng hóa ở khu LPFTZ đối với lãnh thổ thuế quan chung.

      Trường hợp hàng hóa đến từ nước thứ 3 và lưu kho tại LPFTZ, dành cho việc sử dụng ở lãnh thổ thuế quan chung (trong nước), thì sẽ phải trả thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập như là hàng đến (xuất khẩu) từ nước thứ 3.

      3/ Chi phí đánh vào hàng hóa từ khu LPFTZ sang nước thứ 3:

      Trường  hợp lưu kho ở LPFTZ nhưng để xuất khẩu sang nước thứ 3 thì:

      a/ Nếu là hàng hóa xuất xứ ở trong nước: Sẽ hoàn thành việc khuyến khích xuất khẩu như là xuất khẩu từ trong nước.

      b/ Nếu là những hàng hóa có xuất xứ từ nước thứ 3: Khi xuất ra khỏi khu LPFTZ sẽ không phải trả bất kỳ một loại thuế nào.

      4/ Bán hàng ở trong khu LPFTZ.

      Trường hợp hàng đến từ nước thứ 3 mà bán trong khu LPFTZ thì sẽ không phải trả thuế giá trị gia tăng (xem điều 1 Luật về thuế giá trị gia tăng), thuế hải quan vì không phải là hàng hóa sản xuất trong nước. Nhưng nếu là hàng hóa xuất xứ từ trong nước, khi xuất khẩu sang nước thứ 3 sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (Điều 43 Luật thuế giá trị gia tăng).

      Theo điều 26, Luật số 24.331, những dịch vụ cơ bản như sử dụng điện, nước, gas, viễn thông trong khu LPFTZ sẽ được miễn tất cả các loại thuế trong nước.

      Đối với  hoạt động xuất khẩu – Nhập khẩu :

      1/ Thủ tục nhập hàng đối với hàng hóa nước ngoài:

      Hàng hóa được nhập khẩu vào cảng đến theo kiểu nhập khẩu thông thường nhưng được chuyển vào khu LPFTZ.

      Người xuất khẩu phải thông báo cho khu LPFTZ trong vòng 24-48 tiếng trước khi hàng đến bằng cách gửi đơn (Form) “Thông báo hàng đến” (Form ZF 01) và phải xuất trình các chứng từ sau:

      - Bill of Lading

      - Origin Invoice

      - Packing List

      - A complete copy of transit

      Người thuê sẽ xuất trình cho Cục điều hành thuộc Bộ sản xuất vận đơn chính, vận đơn (chứng từ) quá cảnh và 3 bản danh mục hàng hóa được ủy quyền có đóng dấu của nhà chức trách. Người thuê sẽ phải xuất trình cho Hải quan Giấy ủy quyền của Bộ sản xuất và bản copy Form ZF15 báo tin hàng hóa đến. Trước đó Công ty vận tải phải xuất trình vận đơn (chứng từ) quá cảnh, gửi theo đường bưu điện cho hải quan để xử lý và kiểm tra. Khi chứng từ đã được hải quan chấp nhận, hải quan sẽ chuyển cho khu LPFTZ toàn bộ chứng từ đã được xác nhận để vào LPFTZ. Bộ sản xuất cũng sẽ kiểm tra những chứng từ như vậy và cho phép hàng được đưa vào khu LPFTZ. Người thuê cũng sẽ phải hoàn thành việc xuất trình 1 số chứng từ theo yêu cầu để được hoạt động trong khu LPFTZ.

      Hiệu quả và tác dụng của khu này đến việc phát triển xuất khẩu của Argentina.

      A/ Tác dụng :

      - Thúc đẩy việc phát triển ngoại thương, kết hợp các hoạt động của chúng với các tổ chức, các nước.

      - Tham gia buôn bán quốc tế và quản lý các chương trình, chế độ, thủ tục, trợ giúp cho xuất khẩu và bảo vệ thương mại, công nghiệp trong nước.

      B/ Chức năng và hiệu quả :

      - Nắm vững chính sách ngoại thương và buôn bán quốc tế.

      - Nắm vững việc sản xuất, giải thích và áp dụng Luật- Qui định về khu Thương mại tự do, kể cả việc cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp đền bù khác.

      - Trợ giúp các dịch vụ Hải quan, giải thích và áp dụng những chế độ có hiệu lực khác nhau liên quan đến buôn bán quốc tế, chế độ của nước sở tại, hiểu giấy chứng xuất xứ như là 1 chứng từ rất cần thiết để nhập khẩu.

      - Trợ giúp Cục Công nghiệp, thương mại trong việc sản xuất, giải thích và áp dụng luật trong việc thực hiện các qui định của nước sở tại.

      - Tham gia giao dịch kinh tế và thương mại quốc tế trong quá trình nhất thể hóa kinh tế vùng và toàn cầu cũng như trong các hoạt động chống bao vây kinh tế và nhất thể hóa khu vực, các giao dịch nhiều bên với các nước châu Mỹ, châu Á- Thái Bình Dương và các nước khác trên thế giới.

      - Thực hiện chức năng như là một cơ quan đại diện đóng ở trong nước và phát triển thương mại trong khối MERCOSUR, khối ALADI (Hiệp hội nhất thể hóa kinh tế các nước Mỹ la tinh) và với các nước khác trên thế giới.

      - Phối hợp các quan hệ của Bộ kinh tế và sản xuất với Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại thương và nhất thể hóa kinh tế vùng và toàn cầu.

      - Phối hợp sự chú ý các yêu cầu trong lĩnh vực nhà nước và tư nhân, liên quan đến việc giải thích luật lệ về buôn bán quốc tế và bảo đảm cung cấp thông tin sẵn có về vấn đề hợp tác.

      - Trợ giúp việc kiểm tra các hoạt động của Ủy ban Ngoại thương Quốc gia

      - Trợ giúp Cục Công nghiệp, Thương mại, phối hợp các chính sách ngoại thương của Nhà nước, tỉnh và thành phố Buenos Aires.

      - Tham gia vào việc soạn thảo luật về những qui định đối với nước ngoài. Giải thích và áp dụng luật.

      - Thúc đẩy và thực hiện quá trình kiểm tra, thực hiện những yêu cầu về xuất khẩu vào Argentina của nước ngoài.

      - Giới thiệu tính chất, quan hệ hoạt động của những đơn vị được ủy quyền và đánh giá chức năng hoạt động của chúng.

      - Tham gia các quá trình đàm phán 2 bên hoặc nhiều bên với nước ngoài.

      - Phân tích và đánh giá các khiếu nại do không hoàn thành các yêu cầu của nước ngoài đã có hợp đồng với Argentina với mục đích thực hiện các hành động phù hợp.

      - Phối hợp các hoạt động kiểm tra có hiệu lực cần thiết đối với người xuất khẩu hoặc sản xuất, với mục đích điều tra các cơ sở sản xuất, quá trình sản xuất và các hoạt động khác để thẩm tra nước xuất xứ.

      - Lợi thế về thuế, dịch vụ, chi phí vận tải và dịch vụ, an ninh.

      - Không bị hạn chế số lượng hàng hóa đưa vào. Khuyến khích và phát triển, phân phối hàng hóa xuất, nhập khẩu.

      C/ Nguyên tắc và cơ chế hoạt động :

      LPFTZ hoạt động theo chế độ Hải quan trong khu vực lãnh thổ Hải quan chung (TAG), cho phép hàng hóa được nhập khẩu vào trong nước, tuân theo luật pháp và các biểu thuế nhập khẩu hàng hóa vào trong nước và tái xuất khẩu sang nước khác, như là một sự chuyển tải hoặc chuẩn bị hàng tại một điểm, tuân theo những luật lệ qui định của khu LPFTZ như: Các điều khoản ưu đãi áp dụng chế độ đối xử tối huệ quốc, luật nhập khẩu, luật chống bán phá giá, luật bồi thường, luật xuất khẩu, nhập khẩu để tiêu thụ, nhập khẩu tạm thời, điều khoản bảo vệ, gửi hàng đến địa điểm lưu kho, nhập khẩu để chuyển đi, xuất khẩu để tiêu thụ, xuất khẩu tạm thời, xuất khẩu để chuyển đi, các hạn chế về số lượng hoặc phân biệt hạn ngạch tính thuế, các số liệu thương mại v.v...

      Cơ chế hoạt động : Theo cơ chế hoạt động của lãnh thổ hải quan, lãnh thổ hải quan chung, lãnh thổ hải quan đặc biệt, khu vực hải quan thứ nhất, khu vực hải quan thứ 2, khu vực kiểm tra đặc biệt, chế độ gửi hàng qua đường bưu điện, chế độ hàng mẫu, chế độ hồi phục và thu nhận lại v.v...

      3. Ý kiến của Thương vụ về việc áp dụng hình thức tổ chức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đối phó với những diễn biến bất thường của thị trường, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào Argentina :

      Tùy theo từng mục đích kinh doanh, có nhiều cách hoạt động ở LPFTZ, có thể là :

      a/ Thuê đất: Trong trường hợp dự án có liên quan đến việc xây dựng kho tàng hoặc nhà xưởng.

      b/ Thuê kho đã xây dựng sẵn: Đối với những dự án có thời gian xác định và có trị giá hàng hóa nhỏ.

      c/ Thuê bãi Container: để chứa ô tô, máy móc, xe tải, containers v.v...

      d/ Thuê văn phòng hoặc phòng trưng bày hàng: để bày và bán hàng, đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ buôn bán quốc tế. Ví dụ: Môi giới bảo hiểm, môi giới khách hàng, các công ty vận tải, giao nhận v.v...

      Ngoài ra còn có thể thuê những dịch vụ khác trong khu LPFTZ như:

      - Cố vấn và giám sát xây dựng nhà kho miễn phí

      - Cố vấn pháp lý, thuế và thuế quan miễn phí.

      - Cố vấn về buôn bán quốc tế miễn phí.

      - Ngân hàng và Bảo hiểm

      - Dịch vụ bưu điện

      - Nhà hàng và cà phê

      - Phân phối và dịch vụ bán hàng

      - Dịch vụ an ninh bằng hệ thống kỹ thuật cao.

      - Dịch vụ y tế khẩn cấp

      - Hạ tầng cơ sở cảng

      - Dịch vụ làm đơn giản các thủ tục hải quan và các hoạt động khác

      - Các phương tiện cho triển lãm và Hội nghị.

      +  Đề xuất các biện pháp khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp khi quyết định đầu tư, mua hoặc thuê kho ngoại quan tại Argentina, đẩy mạnh xuất khẩu vào Argentina:

      a. Hợp tác chặt chẽ giữa Hải quan hai nước: cần có 1 Hiệp định hoặc thoả thuận về Hải quan giữa 2 nước nhằm thuận lợi hoá quan hệ thương mại giữa 2 nước, đơn giản hoá các thủ tục, tạo điều kiện thông thương tối đa hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào Argentina.

      b. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường, tìm kiếm thông tin và bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của nước ta vào thị trường này. Hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin về thị trường, doanh nghiệp, mặt hàng, hội chợ triển lãm từ các cơ quan đại diện Thương vụ đến Cục xúc tiến Thương mại xuống các Trung tâm xúc tiến thương mại tại các địa phương, đến các Hiệp hội, các ngành hàng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhất, đầy đủ, chính xác các thông tin phục vụ cho công tác xuất khẩu. Chú trọng tính hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, quan tâm đến việc tổ chức cho các đoàn giao thương, tổ chức hội chợ triển lãm vào sâu trong nội địa và các vùng xa xôi khác của Argentina.

      c. Các Hiệp hội ngành hàng nên có 1 trang web chuyên ngành, giới thiệu ngành nghề sản xuất, kinh doanh, mặt hàng, mẫu mã, tên và địa chỉ các công ty, nhà máy và các thông tin khác để tiện liên hệ. Hình thành và tận dụng 1 mạng lưới thông tin hiện đại hiện nay như Internet, Ecomerce… với Thương vụ để Thương vụ giới thiệu, tuyên truyềng, quảng cáo giúp các doanh nghiệp, Hiệp hội, ngành hàng…

      d. Phát triển đa dạng mẫu mã chủng loại hàng giày dép, hàng may mặc, quần áo, đồ nhựa, đồ da, đồ gỗ cao cấp, theo hướng sản phẩm ngày càng giảm tiêu hao nguyên liệu, tăng hàm lượng lao động kỹ thuật, làm tăng giá trị hàng hoá.

      e. Tăng cường hợp tác gia công hàng cơ khí, hàng linh kiện điện tử. Đây là hướng phát triển mạnh trong các năm tới. Do giá nhân công kỹ thuật ngày càng cao, từ 2005 đã có xu hướng, gia công một số chi tiết, linh kiện sản phẩm cơ khí, điện tử tại Việt Nam và xu thế này phát triển nhanh và mạnh trong các năm 2006-2007.

      f. Phát triển các hình thức kinh doanh khác như mậu dịch tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ thương mại và xuất khẩu tại chỗ cho đối tượng là khách du lịch.  
 

Nguồn: Internet