Châu Phi được xem là “vựa điều” lớn nhất của thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 700.000 đến 800.000 tấn. Quốc gia có sản lượng điều thô lớn nhất châu Phi là Bờ Biển Ngà (350.000 tấn), tiếp đến đến là Guinea Bissau (120.000 tấn), Benin (77.000 tấn), Tanzania (50.000 tấn), Nigieria (50.000 tấn), Mozambique (40.000 tấn), v.v...

Là loại cây trồng dễ tính và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai sau bông tại nhiều nước châu Phi, cây điều cung cấp loại hạt nổi tiếng về chất lượng nhờ thu hoạch đúng thời vụ, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài giá trị là thức ăn, quả điều còn được sử dụng trong ngành công nghiệp dược do có những thuộc tính như diệt sâu bệnh, diệt nấm và diệt khuẩn. Quả điều còn được dùng trong ngành công nghiệp chế biến da thuộc, sản xuất rượu.

Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA) được thành lập theo luật của Ghana nhằm mục tiêu thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành điều châu Phi, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao công suất chế biến, xúc tiến thương mại và tham mưu chính phủ các nước châu Phi về chính sách phát triển ngành điều. Đến nay ACA đã có 50 thành viên thuộc nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Các thành viên sáng lập chính của ACA gồm Hiệp hội Điều Bờ Biển Ngà (ARECA), Quỹ hỗ trợ phát triển của Đức (GTZ), tổ chức USAID của Mỹ, tổ chức West Africa Trade Hub của Ghana, các công ty SITA và OLAM của Bờ Biển Ngà, hai công ty Kraft Foods và RFA của Mỹ, v.v...

Năm 2009, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã mở rộng quan hệ hợp tác với Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA) khi tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 4 của ACA tổ chức tại thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà) vào tháng 9/2009.

 

Tình hình nhập khẩu điều của Việt Nam từ châu Phi

 

Từ năm 1996, cùng với việc hạn chế xuất khẩu hạt điều thô ra nước ngoài, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này để bù đắp thiếu hụt hạt điều thô trong nước nhằm phục vụ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam.

Năm 2010 và 2011, ước tính Việt Nam nhập khẩu khoảng 300.000 tấn điều thô (bao gồm khoảng 250 ngàn tấn từ châu Phi) với tổng trị giá nhập khẩu khoảng 260 triệu USD. Theo Tổng cục Hải quan VN, năm 2010, Việt Nam mua từ Bờ Biển Ngà 45798 tấn điều (90,4 triệu USD), Nigeria 28269 tấn (28,6 triệu USD), Ghana 4200 tấn (12 triệu USD), Tanzania 3399 tấn (6,5 triệu tấn), Guinea 1180 tấn (4,4 triệu USD), Benin 1160 tấn (4 triệu USD), v.v...

Nếu như trước đây các giao dịch mua bán điều thô vẫn chủ yếu thông qua môi giới điều của Ấn Độ thì nay nhiều doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung cấp điều của châu Phi. Trong quá trình giao dịch, đã có một số vấn đề vướng mắc nảy sinh. Khó khăn thứ trước tiên là các ngân hàng Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ hợp tác, điều này gây khó khăn trong việc mở L/C, tăng chi phí ngân hàng trung gian và kéo dài thời gian thanh toán. Thứ hai là một số doanh nghiệp của châu Phi còn thiếu tôn trọng hợp đồng đã ký, khi tranh chấp xảy ra rất khó xử lý. Năm 2009, Hiệp hội Điều Việt Nam đã cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam về việc các đối tác châu Phi, nhất là Bờ Biển Ngà không chịu giao hàng theo hợp đồng để ép giá. Khó khăn thứ ba là tình hình chính trị của một số nước châu Phi còn thiếu ổn định. Chẳng hạn tại Bờ Biển Ngà, do khủng hoảng chính trị vừa qua, các doanh nghiệp của ta đã mất đi nguồn cung điều thô quan trọng và phải nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về đối tác châu Phi, gặp rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Ví dụ, đa số các nước Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Anh nên gặp khó khăn trong giao dịch.

Để có thể nhập khẩu trực tiếp điều thô từ châu Phi và hạn chế rủi ro trong giao dịch với các đối tác châu Phi, ngành điều đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có đổi gạo lấy điều với các đối tác châu Phi. Đầu tháng 8/2010 đã có 1 đoàn gồm đại diện Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Long An cùng 10 doanh nghiệp Việt Nam sang Bờ Biển Ngà để khảo sát và đàm phán về vấn đề này. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp điều Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận phương thức trao đổi gạo-điều với phía Nigeria và Ghana.

Về phía Bộ Công Thương, để góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tháng 3/2011, Bộ đã phối hợp với Trung tâm Thương mại thế quốc tế (ITC) chủ trì, tổ chức hai Hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu thị trường Châu Phi, cách thức soạn thảo hợp đồng và quản lý rủi ro khi giao dịch với các đối tác châu Phi. Trong năm 2011, Bộ dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với ITC tổ chức tại Hà Nội cuộc gặp giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và các ngân hàng uy tín của châu Phi. Cuộc gặp này sẽ cho phép ngân hàng hai bên có thể ký thỏa thuận hợp tác, giúp doanh nghiệp giảm thời gian chuyển tiền, giảm chi phí thanh toán qua ngân hàng trung gian và dễ áp dụng phương thức thanh toán bằng L/C hơn.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác nhằm phòng chống rủi ro khi giao dịch nhất là ở khu vực Tây Phi, Trung Phi; Cảnh báo những hiện tượng lừa đảo qua mạng để các doanh nghiệp của ta biết cách phòng ngừa; Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình bất ổn chính trị, xã hội, cơ hội kinh doanh của các nước châu Phi trên các báo, tạp chí chuyên ngành của Bộ; Tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường, tham quan hội chợ-triển lãm quốc tế tại châu Phi và mời các doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

moit

Nguồn: Vinanet