Năm 2013, ba thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Nga hứa hẹn triển vọng tăng trưởng mạnh.

Chủ lực thị trường Mỹ

Dù hiện nay kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút nhưng theo dự báo trong năm 2013, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 Theo thống kê của Sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới Alibaba.com, đến hết quý 3/2012, mặc dù giảm sút đơn đặt hàng nhưng Mỹ vẫn chiếm vị trí đầu về lượng đặt hàng các sản phẩm Việt Nam với tỷ lệ 10% (cùng kỳ năm 2011 là 12%); theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ với tỷ lệ lần lượt là 8% và 7%.

 Nhóm nông phẩm, thực phẩm, đồ uống vẫn là thế mạnh của Việt Nam với tỷ lệ hỏi hàng chiếm 42%, tiếp theo là nhóm hàng vật liệu xây dựng với tỷ lệ 8% và nhóm sản phẩm dùng cho nhà ở và vườn với 5%.

 Đánh giá về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, ông Timothy Leung, Giám đốc cao cấp Bộ phận Dịch vụ và Kinh doanh toàn cầu của Alibaba.com cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chuyển hướng sang Đông Nam Á. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên có sự chuẩn bị chu đáo nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà nhập khẩu Mỹ.

 Bên cạnh việc tận dụng các thế mạnh cạnh tranh là chi phí sản xuất thấp để đưa ra các mức giá cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy trước những thay đổi về nhu cầu từ người mua và cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành hàng nhằm tạo nên sự khác biệt so với các nhà cung cấp khác.

 Tận dụng tốt ưu đãi từ thị trường Nhật Bản

 Theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, sắt thép, linh kiện điện tử của Việt Nam có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Nhờ vậy, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Nhật sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% nếu đáp ứng được yêu cầu xuất xứ. Đây chính là lý do các nhà nhập khẩu chuyển sản xuất, tăng đơn hàng từ nguồn cung Việt Nam.

 Năm 2012, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật sẽ vượt mức 2 tỷ USD. Hiện Nhật Bản chiếm hơn 13% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam. Trong xu hướng chuyển dịch chuyển sản xuất dệt may ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là nước có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào Nhật.

 Theo ông Huỳnh Minh Tâm, Chủ tịch Công ty Logistics Orient Sun, nhiều doanh nghiệp Nhật đang quan tâm đặt hàng lô giá trị nhỏ với Việt Nam để bảo đảm nguồn cung cho mạng lưới cửa hàng nhỏ của họ tại Nhật Bản. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể tranh thủ phương thức này để thâm nhập thị trường Nhật, nhất là nông sản, thực phẩm chế biến.

 Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu nông sản sang Nhật bền vững, doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác để quản lý vùng nguyên liệu bởi người Nhật không quan tâm đến giấy chứng nhận kiểm nghiệm bằng việc thấy qui trình mà họ yêu cầu được thực hiện đúng.

 Ngoài nông sản, thực phẩm, ông Akitoshi Mikio, Phó Giám đốc Công ty tư vấn My Lang cho biết, qua nhiều năm tìm hiểu năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, các công ty Nhật đã tin tưởng đặt hàng phụ kiện, chi tiết máy và phần mềm. Đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và công nghệ thông tin.

 Rộng lối vào thị trường Nga

 Với dân số hơn 140 triệu người, GDP đạt 1.500 tỷ USD, Nga là thị trường lớn mà không khắt khe như Tây Âu, Nhật Bản hay Mỹ. Hơn nữa, cơ cấu kinh tế Nga quá chú trọng công nghiệp nặng nên hàng tiêu dùng chủ yếu nhập từ nước ngoài, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam.

 Một lợi thế nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để xuất khẩu sang Nga là việc Nga đã gia nhập WTO. Theo đó, Nga thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, may mặc, giày da.

 Trong vòng 3-4 năm tới, một số mặt hàng của Việt Nam vào Nga sẽ chỉ bị áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn so với mức hiện nay.

 Ngoài ra, Nga đang có chiến lược phát triển vùng Viễn Đông với nhiều ưu đãi, mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, thủy sản, đồ gỗ...

 Ngoài ra, Việt Nam và Nga đang tích cực đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Thuế quan Nga - Belarus – Kazakhstan. Nếu Hiệp định này được ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt trên thị trường Nga.

Nguồn: Hải quan Việt Nam