Để đáp ứng nhu cầu cá tra nguyên liệu cho chế biến, nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản trong tỉnh Đồng Tháp đã lập dự án thuê đất để tổ chức sản xuất; thuê nuôi gia công theo hình thức đầu tư con giống, thức ăn, thu hồi sản phẩm, trả tiền thuê nuôi trên khối lượng sản phẩm thu hoạch; thuê ao trực tiếp thả nuôi...

Hiện nay, các nhà máy chế biến thuỷ sản đã quan tâm nhiều hơn đến việc ký kết hợp đồng tiêu thụ cá tra với người nuôi. Các nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản cũng đã bắt đầu liên kết với người nuôi cá để cung cấp thức ăn và liên kết tìm kiếm nhà máy tiêu thụ cá nguyên liệu. Đây là hướng đi phù hợp nhằm duy trì ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến tiêu thụ bấp bênh.

Đến cuối quí 1/2009, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp đã tăng lên 1.023 ha, tuy đã vượt 7,7% so với kế hoạch nhưng diện tích nuôi giảm hơn cùng kỳ 364 ha. Theo ước tính của Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với diện tích thả nuôi như trên thì đến cuối quí III/2009 sản lượng cá tra thu hoạch chỉ đạt 194.000 tấn cá nguyên liệu, và sản lượng cả năm 2009 sẽ đạt xấp xỉ 240.000 tấn (bằng chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Với sản lượng như trên, trong thời gian tới, cá tra nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất của các nhà máy chế biến trong tỉnh.

Cũng theo Sở NN&PTNT, tình hình tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh đã có bước khôi phục và tăng giá so với cuối năm 2008. Hiện giá cá tra nguyên liệu đang dao động từ 15.500 - 16.200đ/kg loại thịt trắng, 14.500 đến 15.000 đồng/kg loại thịt vàng, tăng so với giá thời điểm cuối năm 2008 từ 1.200 - 1.700đ/kg, người nuôi đã có lãi ít nhất 1.500 đồng/kg. Tuy giá cá đã tăng lên, nhưng diện tích thả nuôi vẫn giảm do một số hộ nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ nặng của năm 2008 không tiếp tục thả nuôi (treo ao), một số diện tích chuyển nuôi cá khác. Do không đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến, nên trong thời gian tới giá cá tra sẽ tiếp tục ổn định hoặc tăng nhẹ.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 15 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đi vào sản xuất, nhưng chỉ mới hoạt động đạt 52% công suất thiết kế (tương đương với 250.000 tấn cá thành phẩm/năm). Ngoài ra, còn có 17 dự án chế biến thủy sản đang đầu tư vào các khu cụm công nghiệp, năng lực chế biến của các nhà máy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các vùng nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, trước tình hình dự báo sản lượng cá tra nguyên liệu không đủ cung cấp cho công suất chế biến trong thời gian tới làm các nhà máy chế biến lo lắng./.

Nguồn: Vinanet