Khi áp dụng Hiệp định ACIA chắc chắn sẽ phát sinh một số bất cập giữa các quy định của ACIA với các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam. Bài viết này sẽ có một số minh họa cụ thể.

Nguyên tắc đối xử quốc gia

Luật Đầu tư năm 2005 (Điều 4 và Điều 5) cho phép các nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề, trừ những lĩnh vực cấm đầu tư; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam áp dụng đối với tất cả các nhà đầu tư và những lĩnh vực hạn chế đầu tư theo cam kết của Việt Nam với WTO và các hiệp định song phương khác; đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Tương tự, nhà nước sẽ đối xử không kém thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư và đầu tư của các nước ASEAN khác so với nhà đầu tư và đầu tư của Việt Nam theo các luật chuyên ngành có liên quan như xây dựng, y tế, nông - lâm ngư nghiệp. Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm giữ nhiều nhất là 51% vốn đầu tư của liên doanh như được quy định trong cam kết với WTO và các cam kết trong các hiệp định đầu tư khác.

Trong thực tiễn, các điều kiện và yêu cầu đối với các nhà đầu tư và dự án đầu tư nước ngoài được áp dụng chặt chẽ hơn. Trong một vài trường hợp, các nhà đầu tư và dự án đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu sự hướng dẫn và chính sách của các cơ quan có thẩm quyền địa phương, kém thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực về phân phối, dịch vụ hoặc các dự án có quy mô nhỏ...

Trên cơ sở so sánh và đánh giá các quy định của Hiệp định ACIA, Việt Nam cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, ngoài việc bảo đảm các nguyên tắc chung phù hợp với ACIA cần cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về quản lý đầu tư.

Sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng nào?

Trên cơ sở so sánh và đánh giá các quy định của Hiệp định ACIA, Việt Nam cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc sửa đổi Luật Đầu tư, ngoài việc bảo đảm các nguyên tắc chung phù hợp với ACIA, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về quản lý đầu tư, cần tập trung sửa đổi một số vấn đề:

Cần làm rõ khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư nước ngoài... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Đây cũng là vướng mắc đã tồn tại 8 năm qua, là một điểm hạn chế rất lớn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài dựa vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập, tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa thể khắc phục được những bất cập đã tồn tại trong thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, có thể xác định nhà đầu tư nước ngoài thông qua tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư, hoặc có thể sử dụng định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để xác định nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 10% cổ phần thông thường, hoặc quyền biểu quyết.

Về quản lý nhà nước đối với đầu tư, cần sửa đổi quy định về thủ tục đầu tư theo hướng bãi bỏ quy định giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc có thể bãi bỏ quy định về cấp giấy phép đầu tư (trừ lĩnh vực đầu tư có điều kiện), thực hiện đăng ký đầu tư điện tử. Đối với lĩnh vực đầu tư phải cấp phép đầu tư cần hoàn thiện các quy định về thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm làm rõ hồ sơ, quy trình, thủ tục, thời hạn thực hiện... Cần sửa đổi các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là các quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và các thủ tục có liên quan đến việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, chuyển đổi hình thức đầu tư, hình thức doanh nghiệp.

Phạm Sỹ Chung: Công ty Luật LNT&Partners

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet