Nhằm đánh giá những kết quả đạt được và bàn các biện pháp cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp – thương mại của Ngành Công Thương 14 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, ngày 10/9, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đã diễn ra Hội nghị Ngành Công Thương 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ lần thứ XII. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên đã chủ trì Hội nghị.

Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 54.622,72km2, chiếm 16,49% diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí kinh tế - xã hội và quốc phòng đặc biệt quan trọng đối với cả nước nói chung và vùng Bắc Bộ nói riêng.

Năm 2009, nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu của khủng hoảng tài chính; lạm phát trong nước gia tăng, kinh tế đã có dấu hiệu của sự giảm phát; thời tiết không thuận cho sản xuất; dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh phức tạp; giá cả hàng hoá tiêu dùng, nguyên, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm biến động thất thường; v.v... Những yếu tố đó đã tác động làm ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương thông qua các Chương trình, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trong triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cầu bình ổn giá cả hàng hoá, kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thiểu lạm phát tăng cao và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, năm 2009, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của hầu hết các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tiếp tục đạt đà tăng trưởng ổn định.

Theo báo cáo tại hội nghị, 9 tháng đầu năm 2010, toàn vùng duy trì và đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ, an sinh xã hội được đảm bảo. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ước đạt 251.433 tỷ đồng, tăng 22,3% so cùng kỳ, đạt 73,6% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,115 tỷ USD, tăng 25,69% so cùng kỳ, đạt 79,48% kế hoạch năm. Nhập khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 24,1% so cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 9/2010, toàn vùng có 314 khu, cụm, điểm công nghiệp đang hoạt động; 5.686 doanh nghiệp, cơ sở thuê 8.402 ha đất, tổng kinh phí đầu tư 110.524 tỷ đồng. Kinh phí chi cho công tác khuyến công đạt 29,886 tỷ đồng; các hoạt động quản lý kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp; quản lý điện năng, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng.

Hoạt động xúc tiến thương mại và công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả khá, góp phần tích cực trong việc ổn định giá cả thị trường, chỉ số giá không bị biến động lớn. Toàn vùng hiện có 2.507 hợp tác xã, 2.697 chợ hoạt động hiệu quả; đang tích cực triển khai quy hoạch mạng lưới chợ trung tâm, chợ đầu mối, mạng lưới bán lẻ. Thị trường nội địa và xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực, nhờ đó hàng hóa lưu thông đã tăng nhanh, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng kim ngạch xuất khẩu góp phần giảm nhập siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng đầu năm 2010 của toàn vùng ước đạt 349.784 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,88% kế hoạch năm. 3 tháng còn lại, các doanh nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động bán hàng nhân dịp Tết và các ngày lễ lớn. Vì vậy việc hoàn thành kế hoạch bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là rất khả quan. Hiện nay, các tỉnh đang tập trung theo dõi giá cả các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, thực hiện khá hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”.

Hội nghị đã thống nhất mục tiêu cho những tháng cuối năm 2010 là: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 90.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,128 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt 09 nhóm giải pháp bao gồm: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch, quan tâm quy hoạch vùng để phát huy lợi thế từng tỉnh, thành phố; đẩy mạnh liên kết trung ương - địa phương, liên kết giữa các tỉnh; tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại, hoàn thành tốt kế hoạch khuyến công năm 2010; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quản lý tốt thị trường trong nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đổi mới và tăng cường hoạt động quản lý nhà nước; Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về điện năng, khoa học công nghệ, vật liệu nổ công nghiệp.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Ninh đã trao Cờ đơn vị đăng cai hội nghị lần thứ XIII cho Sở Công Thương tỉnh Hải Dương.

 
 
                                                           Nguồn:www.moit.gov.vn

Nguồn: Vinanet