“Israel là một nước có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới, khả năng nghiên cứu, sáng tạo đặc biệt là tính hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được cả thế giới công nhận. Trong khi đó, Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà. Do đó, hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp là hướng hợp tác ưu tiên và được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong chính sách kinh tế đối ngoại của mình”.

 Đó là chia sẻ của bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Israel trong lĩnh vực nông nghiệp bên lề hội thảo “Việt Nam - châu Phi - Trung Đông: Đối tác mới cho sự phát triển vừa được diễn ra tại Hà Nội. Cũng theo bà Meirav Eilon Shahar, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất lớn, đặc biệt, Israel luôn mong muốn được hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm quý báu của mình với Việt Nam. “Hội thảo này là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi có thể tìm hiểu kĩ hơn nữa về thị trường Việt Nam cũng như những nhu cầu cụ thể mà Việt Nam đang mong muốn trao đổi và hợp tác với Israel”, bà Meirav Eilon Shahar bày tỏ.

Một trong những nét đặc trưng nền nông nghiệp của Israel là hệ thống sản xuất chuyên canh bắt nguồn từ nhu cầu thực tế nhằm khắc phục sự khan hiếm về tài nguyên, đặc biệt là nước và đất trồng trọt. Sự tăng trưởng liên tục trong sản xuất nông nghiệp của Israel là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia khuyến nông, nông dân với các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kết quả của các giải pháp được kiểm nghiệm ngay trên đồng ruộng.

Theo bà Meirav Eilon Shahar, nền nông nghiệp của Israel đạt được những thành tựu như ngày nay là nhờ quốc gia đã đầu tư phát triển công nghệ và ứng dụng vào sản xuất. Các công trình nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp của Israel đều gắn kết chặt chẽ với nông dân và có ý nghĩa thực tiễn cao. Công nghệ hiện đại đang được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel gồm công nghệ tưới nhỏ giọt giúp đạt được 70-80% hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp - tỷ lệ cao nhất trên thế giới so với 40% nước tưới tiêu thông thường. Bên cạnh đó, công nghệ nhà kính - công nghệ sử dụng màng phủ nhựa hấp thụ ánh sáng cùng hệ thống kết cấu làm nóng và thông gió giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với trồng ngoài trời; hệ thống sử dụng nước khép kín trong nuôi trồng thủy sản giúp tăng khả năng sản xuất gấp 40 lần, sản lượng tăng từ 0,5 tới 20kg/m3 so với nuôi ở ao hồ thông thường…

Ông Zafrir Asaf Trưởng phòng Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Israel cho biết, Israel là quốc gia đang rất thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp lai tạo giống hiện đại và quy trình chăn nuôi tiên tiến, được vi tính hóa khiến ngành chăn nuôi bò sữa của Israel luôn đứng vị trí hàng đầu thế giới. Những con bò sữa của Israel cho lượng sữa rất cao, trung bình khoảng 11.000 lít/năm, thậm chí có con cho tới 19.000 lít/năm.

Hiện nay, ngày càng nhiều chuyên gia chăn nuôi bò sữa Việt Nam quan tâm đến kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và đánh giá phương pháp chăn nuôi tiên tiến này có khả năng áp dụng cao ở Việt Nam. Đặc biệt là các phương pháp chăm sóc bò trong điều kiện nhiệt độ cao, chế biến thức ăn cho bò và nhập tinh bò chất lượng cao của Israel vào Việt Nam. “Thời gian qua, trong chương trình hợp tác với Việt Nam, ngành nông nghiệp Israel đã cử nhiều chuyên gia tới Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Dương… để tổ chức những khoá đào tạo tại chỗ cho các hộ chăn nuôi bò sữa, giúp người chăn nuôi và cán bộ khuyến nông Việt Nam tiếp cận nhanh với những kiến thức chăn nuôi bò sữa hiện đại, công nghệ chế biến thức ăn và nhập khẩu tinh bò đông lạnh chất lượng cao từ Israel”, ông Zafrir Asaf chia sẻ.

Ông Zafrir Asaf cũng nhấn mạnh, trong hợp tác với Việt Nam ở lĩnh vực thế mạnh này, Israel mong muốn sự minh bạch và cam kết hợp tác lâu dài từ Việt Nam. Việc cam kết hợp tác lâu dài sẽ giúp hai nước khai phá được nhiều hơn nữa những lợi thế sẵn có, tạo cơ hội hợp tác phát triển sâu rộng hơn trong tương lai.

Để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước, theo bà Meirav Eilon Shahar, hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn cán bộ nghiên cứu và các DN để tìm hiểu hơn nữa về nhu cầu cũng như những lĩnh vực hợp tác cụ thể của nhau. Ngoài ra, thành lập nhóm điều phối ở cả hai nước cũng rất quan trọng. Các nhóm này bao gồm chuyên gia nghiên cứu và chuyên gia trong ngành sẽ phối hợp thông tin và trao đổi ý tưởng sau đó đưa ra thống nhất. “Với sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ hai bên, tôi tin rằng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel chắc chắn sẽ đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong thời gian tới”, bà  Meirav Eilon Shahar khẳng định./.

Nguồn: Thị trường