Đây là dự án do Ủy ban Liên minh châu Âu, Công ty sản xuất các sản phẩm gia dụng quốc tế (IKEA) và Tổ chức Tài chính Phát triển của Đức (DEG) tài trợ, tổng kinh phí 2,4 triệu Euro thực hiện trong 2 năm (2009-2010). Dự án tập huấn và đào tạo phương pháp quản lý và sản xuất sạch hơn cho những người tham gia vào giai đoạn trước chế biến và buôn bán mây; đồng thời hỗ trợ việc thiết lập các thị trường và đầu mối kinh doanh dựa trên chuỗi cung ứng. Nhờ đó, chuỗi cung ứng mây liên kết xuyên biên giới được hợp thức hóa và tổ chức có hiệu quả hơn. Với mục tiêu có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên quen thuộc với công nghệ sản xuất sạch hơn các sản phẩm mây, trong đó có ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp rõ ràng và cụ thể. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp cho ít nhất 35 doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm tại chỗ được công nhận và đáng tin cậy, 25 doanh nghiệp chế biến đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm mây được chứng nhận đáng tin cậy.

Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân ở nông thôn cũng như với chính quyền địa phương và môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa thân thiện môi trường nhờ sản xuất sạch hơn. Hiện nay, với hơn 50 chủng loại mây được sử dụng trong ngành chế biến mây ở Lào, Campuchia và Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu mây lớn nhất với 58,5% tổng sản lượng, các sản phẩm mây hoàn chỉnh đã xuất hiện trên thị trường châu Âu. Trong khu vực sông Mê-kông - nơi cư trú và sinh sống của hơn 300 triệu người ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam, sản phẩm thu nhập từ mây, gỗ và các sản phẩm phi gỗ đã tạo ra hơn 50% thu nhập cho người dân nơi đây.

Nguồn: Vinanet