Tại hội thảo Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết: Việt Nam cam kết miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử và sẽ không gắn việc miễn, giảm thuế với các yêu cầu về xuất khẩu hay nội địa hóa (bởi việc miễn, giảm thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu dựa trên thành tích xuất khẩu hoặc tỷ lệ nội địa hóa bị coi là trợ cấp và bị cấm theo quy định của WTO)…

Khi gia nhập WTO, WTO yêu cầu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu. Việt Nam cam kết giảm mức thuế bình quân từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4%, thực hiện dần trong vòng 5 – 7 năm. Mức thuế bình quân hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9%, thực hiện trong khoảng 5 năm. Mức thuế bình quân hàng công nghiệp giảm từ 16,8% xuống 12,6%, thực hiện trong vòng từ 5 – 7 năm.

Việt Nam cũng cam kết tham gia một số Hiệp định tự do hóa theo ngành. Những ngành mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế. Những ngành mà Việt Nam tham gia một phần là thiết bị máy bay, hóa chất và thiết bị xây dựng. Thời gian để giảm thuế là 3 – 5 năm.

Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng hạn ngạch thuế quan với đường, trứng gia cầm, lá thuốc lá và muối.  Thuế MFN hiện hành (trứng 40%, đường thô 25%), đường tinh 40 – 50%, thuốc lá là 30%, muối ăn 30%). Mức thuế ngoài hạn ngạch cao hơn rất nhiều.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Danh Vĩnh, hiện nay, Việt nam có quan hệ buôn bán với trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 84 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt nam và đầu tư nước ngoài có vai trò to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, đóng góp tới trên 15% tổng giá trị GDP và 54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Hubert Cooreman khẳng định,trong năm 2008, sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được thể hiện rõ trong số vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục (trên 60 tỷ USD). Chúng ta đã chứng kiến Việt Nam có rất nhiều thay đổi trong 10 năm qua, nhưng điều đó không có nghĩa là những khó khăn đã qua. Trong lúc môi trường pháp lý và quản lý ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng thì vẫn cần có những cải biến tiếp theo. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng của quốc gia đòi hỏi cần có những cách thức tiếp cận sáng tạo. Việt Nam cần đón nhận những phương thức làm việc tốt nhất và sẵn sàng tiếp thu những bài học thành công trên thế giới để đảm bảo Việt Nam có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, đồng thời tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế với vai trò là một quốc gia tiên phong trong khu vực.

(VOV)

Nguồn: Vinanet