Trong lịch sử 63 năm, đặc biệt là trong gần 30 năm đổi mới, đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong vai trò quản lý nhà nước đã và đang tập trung cho việc nâng cao năng lực tham gia và giải quyết các vấn đề kinh tế- thương mại song phương, khu vực. Bên cạnh đó Bộ cũng đẩy mạnh việc tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận về kinh tế, thương mại đã ký kết với các đối tác; xử lý hài hòa, thống nhất việc thực hiện cam kết gia nhập WTO và triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để ký kết các hiệp định, thỏa thuận mới về kinh tế, thương mại với các đối tác.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đã có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác kinh tế. Các thỏa ước thương mại tự do này đã góp phần giúp các DN trong nước mở rộng thị trường và bạn hàng.

Trong quá trình đàm phán các FTA, Bộ Công Thương đều có văn bản lấy ý kiến đóng góp của phía DN, bao gồm thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN và các DN tiêu biểu trong các ngành chủ chốt liên quan.

Hiện Việt Nam đang đàm phán FTA với 6 đối tác trong đó, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EU và Liên minh hải quan Nga- Kazakhstan- Belarus. Khi hoàn thành đàm phán 6 FTA này, Việt Nam sẽ có quan hệ kinh tế với tất cả các đối tác lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam tận dụng và khai thác như thế nào các lợi thế do các FTA đem lại. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các DN Việt Nam khai thác được các lợi thế này hiện chưa nhiều. Trong khi thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt mới đạt 40% thì khu vực ASEAN mới khoảng 20%.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, các DN Việt Nam vẫn cần quan tâm các thị trường gần như thị trường ASEAN. Bộ trưởng mong muốn các DN tiếp tục nghiên cứu tận dụng các ưu đãi từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu.

Trong vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương vẫn luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN và mong muốn các đại diện cộng đồng DN luôn theo sát các tiến trình đàm phán để phản ánh nguyện vọng và lợi ích thực chất của các DN Việt Nam trong quá trình thương thảo với các đối tác.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet