(Vinanet) Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, tháng 11 cả nước xuất khẩu mực, bạch tuộc thu về 42,427 triệu USD, giảm 15,4% so với tháng 11 năm ngoái; đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 11 tháng đầu năm lên 463,739 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Hàn Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ nhóm hàng này của Việt Nam, với 134,473 triệu USD, chiếm 29% tổng kim ngạch, giảm 12,9% so với cùng kỳ; hiện nay người tiêu dùng tại Hàn Quốc vẫn ưa chuộng mực, bạch tuộc Việt Nam dù giá sản phẩm này của Việt Nam cao gấp đôi so với Trung Quốc, gấp 4-5 lần của Peru và Chile. Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất là do các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn các “đối thủ” khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, cộng với việc cung cấp sản phẩm có chất lượng và hợp khẩu vị với người tiêu dùng quốc gia này. Trong 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc gặp nhiều trở ngại do thiếu nguyên liệu và giá xuất khẩu dưới giá thành sản xuất trong khi xuất khẩu liên tục giảm sâu nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây giá xuất khẩu đã tăng khoảng 10% so với trước nên mức giảm giá trị xuất khẩu chậm lại. Từ đầu tháng 9 đến nay, Hàn Quốc vượt qua cả Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.

Trong số 3 mặt hàng có lợi thế của Việt Nam và được ưa chuộng nhất tại Hàn Quốc chỉ có mặt hàng bạch tuộc là có giá ổn định và cạnh tranh so với các nguồn cung cấp lớn khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Tuy nhiên, trong phân khúc này, Mauritania mới là đối thủ thực sự của các doanh nghiệp Việt Nam, bởi kể từ tháng 6/2012, xuất khẩu bạch tuộc của Mauritania vào Hàn Quốc vẫn liên tục tăng dù giá mặt hàng này của Mauritania cao hơn từ 2-3 USD/kg so với giá của Việt Nam và Thái Lan.

Đứng thứ 2 về kim ngạch là thị trường Nhật Bản với 133,939 triệu USD, chiếm 28,9%, tăng 17,8%; sau đó là xuất khẩu sang EU đạt 94,294 triệu USD, chiếm 20,3%, giảm 14,4%; xuất sang ASEAN đạt 44,794 triệu USD, chiếm 9,7%, tăng 19,1%.

Thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc 11 tháng đầu năm 2012

 
THỊ TRƯỜNG
Tháng 11/2012 (triệu USD)
% GT
So với cùng kỳ 2011 (%)
11 tháng đầu năm 2012 (
triệu USD)
% GT
So với cùng kỳ 2011 (%)
Nhật Bản
12,089
28,5
-15,3
133,939
28,9
+17,8
Hàn Quốc
13,611
32,1
-11,9
134,473
29,0
-12,9
EU
7,045
16,6
-34,7
94,294
20,3
-14,4
Italia
5,138
12,1
-13,0
59,543
12,8
-20,0
Pháp
0,209
0,5
-52,5
5,957
1,3
+46,0
Tây Ban Nha
0,213
0,5
-89,0
5,705
1,2
-47,4
ASEAN
4,508
10,6
+6,4
44,794
9,7
+19,1
Thái Lan
3,820
9,0
+27,3
34,254
7,4
+32,8
TQ và HK
2,147
5,1
+20,6
21,692
4,7
+52,6
Hồng Kông
0,678
1,6
-14,3
6,976
1,5
+41,6
Mỹ
0,930
2,2
-6,7
9,217
2,0
+15,1
Nga
0,446
1,1
+326,4
4,922
1,1
+37,0
Đài Loan
0,340
0,8
-62,1
4,648
1,0
-50,9
Australia
0,354
0,8
-44,9
4,423
1,0
+2,7
Các TT khác
0,959
2,3
-4,4
11,338
2,4
+27,1
TỔNG CỘNG
42,427
100
-15,4
463,739
100
-0,2

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nga 11 tháng tuy chỉ đạt 4,922 triệu USD, chiếm 1,1%, tăng 37% so với cùng kỳ nhưngsự gia tăng tiêu thụ ở mức cao qua từng năm của mặt hàng mực, bạch tuộc tại thị trường Nga, cùng với việc nước này phải cắt giảm thuế nhập khẩu trong vài năm tới sau khi chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã chứng tỏ Nga là thị trường tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam. Trong giai đoạn 2007 - 2011, nhu cầu tiêu thụ nhuyễn thể của Nga liên tục tăng trưởng mạnh qua các năm với tốc độ khoảng 10-15%/năm, trong đó lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất lên tới 50%/năm trong hai năm. Trong giai đoạn này, nhập khẩu nhuyễn thể chân đầu của Nga từ Việt Nam cũng tăng trưởng ổn định nhưng so với Trung Quốc là không đáng kể.

Trong năm 2011, Trung Quốc, Chile, Thái Lan, Peru, Việt Nam và Tây Ban Nha là những thị trường cung cấp mực chủ yếu cho Nga, nhưng Trung Quốc chiếm đến 80% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường này. Nguyên nhân là do Trung Quốc có nguồn cung ổn định, sản phẩm đa dạng với các mức giá khác nhau và thường thấp hơn giá các nguồn cung khác trên thị trường 1-2 USD/kg.

Đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh thị trường mực, bạch tuộc tại Nga khi chiếm tới 56% giá trị nhập khẩu mặt hàng nhuyễn thể của quốc gia này và vẫn không ngừng gia tăng. Do đó, có thể nói Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của xuất khẩu nhuyển thể Việt Nam sang thị trường Nga.

Tuy nhiên, VASEP cho rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng cường xuất khẩu thủy sản nói chung và nhuyễn thể nói riêng sang thị trường Nga. Bởi quốc gia này vừa trở thành thành viên thứ 156 của WTO, đồng nghĩa với việc trong 3-4 năm tới, Nga sẽ phải giảm thuế nhập khẩu đối với thủy sản Việt Nam từ mức 10% xuống khoảng 6%, thuế nhập khẩu hải sản giảm khoảng 4,8 lần và các hàng rào phi thuế quan của Nga cũng sẽ được gỡ bớt.

 

Nguồn: Vinanet