Hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 16 trong số các bạn hàng xuất khẩu vào My-an-ma với kim ngạch chỉ đạt 32,6 triệu USD trong năm 2008, còn rất nhỏ so với tiềm năng thực tế, chủ yếu là xuất khẩu một số mặt hàng đơn điệu như nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, dây điện và dây cáp điện... Theo số liệu của Cục Hải quan My-an-ma, 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 5,7 triệu USD, giảm 76,2% so với cùng kỳ năm 2008 (Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt 3 triệu USD và nhập khẩu hàng hóa đạt 2,7 triệu USD).

Theo Bộ Công Thương, sự suy giảm thương mại nêu trên một phần là do cả hai nước đang cùng chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, thương mại Việt Nam - My-an-ma hiện còn nhiều vướng mắc ở các khâu: thủ tục quản lý xuất nhập khẩu, thanh toán, vận chuyển hàng hóa... Trong hoạt động xuất nhập khẩu, nước này vẫn quản lý bằng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và giấy phép xuất nhập khẩu từng chuyến hàng. Quá trình thương thảo hợp đồng kinh tế, chờ đợi xin giấy phép xuất nhập khẩu và thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài nhiều tháng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thương mại My-an-ma, do bị cấm vận kinh tế từ Hoa Kỳ và EU nên khâu thanh toán cho các hợp đồng xuất nhập khẩu từ ngân hàng của nước này không được thực hiện trực tiếp, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam Nguyễn Thành Biên đã đề nghị Bộ Thương mại My-an-ma phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của nước này sớm giải quyết các vấn đề về thủ tục nhập khẩu và hai bên cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề tồn tại liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước trao đổi thương mại. Thứ trưởng cũng đề xuất trong tháng 4/2009, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đã làm ăn với My-an-ma về những vướng mắc khi kinh doanh với thị trường này và chuyển cho phía My-an-ma để hai bên cùng xem xét, tiến tới tổ chức một cuộc gặp tiếp theo tại My-an-ma nhằm tìm biện pháp khắc phục. Đặc biệt, tháng 10/2009, Việt Nam sẽ tổ chức một hội chợ quốc tế tại Yangon, My-an-ma, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009. Để tạo cơ hội cho đông đảo doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi khả năng hợp tác kinh doanh tại Hội chợ nhằm góp phần đẩy lùi tình trạng suy giảm thương mại hiện nay và có nguy cơ tiếp diễn, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam đã đề nghị phía My-an-ma tạo điều kiện để tổ chức Hội chợ thành công tốt đẹp.

Bộ trưởng Thương mại My-an-ma và Thứ trưởng Công Thương Việt Nam đã thống nhất, bên cạnh các hoạt động của cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam - My-an-ma được tổ chức 2 năm/lần, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại My-an-ma sẽ tiến hành thẩm định, tổ chức hiệu quả các đoàn giao thương nhằm tìm hiểu khả năng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế.

Thương vụ Việt Nam tại My-an-ma cho biết: Nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này là cà phê, hạt tiêu, chè, nhân điều, thực phẩm chế biến (mì ăn liền, bột ngọt, bột canh, thức ăn sẵn, bánh đa nem, bánh phồng tôm, bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước giải khát....). Năm 2009, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - My-an-ma đạt 132 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào My-an-ma đạt 32 triệu USD và nhập khẩu từ My-an-ma đạt 100 triệu USD./.

Nguồn: Vinanet