Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là 20,18 tỷ USD, nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu 4,5 tỷ USD, còn nhập khẩu tới 15,65 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 11,11 tỷ USD, mặc dù 80% hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là để phục vụ cho xuất khẩu. Trong quý 1/2009, kim ngạch giữa hai nước chỉ ở mức 3,8 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 0,4% (đạt 932 triệu USD) và nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh (giảm 31,7%).

Ba mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua là cao su, than đá, dầu thô. Ngoài ra, còn có nông sản, lâm sản, thuỷ sản, đồ gỗ...

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, sắt thép, nguyên vật liệu... để sản xuất hàng xuất khẩu từ phía bạn. Đây cũng là thị trường cung cấp hầu hết các nguyên liệu mà Việt Nam cần đáp ứng.

Tại buổi giao thương, 50 doanh nghiệp Việt Nam và đoàn 14 doanh nghiệp Trung Quốc đến từ Quảng Tây,Tứ Xuyên, Thượng Hải doanh nghiệp hai bên đã cùng giới thiệu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, chú trọng đặc biệt vào các ngành hàng thực phẩm chế biến như nông sản, cà phê hoà tan, hoa quả nhiệt đới sấy khô, các loại thực phẩm làm từ thuỷ sản được chế biến ăn liền, các loại thực phẩm y dược, vật liệu phòng cháy, vật liệu xây dựng….

Bộ Công thương cam kết sẽ hết sức hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam về cơ chế chính sách, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lớn, nhu cầu phong phú và đa dạng này chính là phải có nguồn hàng lớn, cung cấp ổn định và chất lượng đồng đều, bởi hầu hết những sản phẩm Việt Nam có thì Trung Quốc đều có nên sự cạnh tranh giữa các mặt hàng rất lớn. Đồng thời, để có được uy tín với các đối tác Trung Quốc cũng như có được niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt nam cần quan tâm hàng đầu tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chắc chắn ngaytừ nguồn nguyên liệu đầu vào, công nghệ chế biến, đóng gói bao bì, nhãn mác sản phẩm….

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhậpkhẩu, song song với hoạt động hỗ trợ của Uỷ ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc, phía Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất thành lập thêm Tổ công tác hợp tác về thương mại Việt – Trung trong tháng 5/2009 để thường trực giải quyết những khó khăn, ách tắc trong thương mại của hai nước.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2009, các loại quả của Việt Nam là: thanh long, vải, nhãn, dưa hấu, chuối khi xuất vào thị trường này phải có đăng ký của nơi sản xuất, nơi đóng gói. Đây là thỏa thuận đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta và phía Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, họ cũng sẽ cung cấp thông tin của tất cả các loại hoa quả xuất được sang Việt Nam.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành phổ biến quy định mới tới người dân cũng như doanh nghiệp và đang hướng dẫn các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, từ nay tới thời điểm đó không còn xa nên giai đoạn đầu các nhà sản xuất cũng như kinh doanh các mặt hàng trên sẽ gặp phải khó khăn.

Nhưng về lâu dài, điều này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước theo hướng hội nhập. Ngoài ra, quy định này cũng đã hướng nhiều hơn tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Nguồn: Vinanet