PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hàng hoá nhập lậu từ lâu đã có mặt trên thị trường trong nước, nhưng sự ồ ạt tràn lan thì mới thấy trong vòng 10 năm nay.Hàng Trung Quốc đổ vào thị trường Việt Nam với quy mô lớn chưa từng thấy, tạo sự cạnh tranh gay gắt với hàng nội.

Sản phẩm Trung Quốc có chất lượng không cao, giá rẻ vào Việt Nam không qua con đường hàng nhập khẩu chính ngạch mà qua đường tiểu ngạch hoặc là hàng buôn lậu.

Quy mô nhập khẩu, buôn lậu hàng vào Việt Nam quá lớn ngày càng khiến giá bán các loại hàng hoá nhập lậu thấp hơn hàng Việt Nam. Hậu quả là tranh giành thị trường khốc liệt và đặc biệt gay gắt trong điều kiện khủng hoảng kinh tế khi việc chiếm lĩnh thị trường đang rất khó khăn đối với doanh nghiệp trong nước. Do đó, cũng dễ hiểu khi có những bức xúc, phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam do mất thị phần, do cạnh tranh không công bằng và thiếu sự yểm trợ pháp luật.

Bên cạnh đó, hàng tiêu dùng nhập khẩu giá rẻ, mẫu mã đẹp, phong phú phù hợp với túi tiền và thị hiếu đa số người Việt Nam thu nhập thấp, lại chịu lạm phát cao nhiều năm, vì vậy họ dễ bỏ qua yếu tố chất lượng. Thậm chí, động cơ lợi nhuận cục bộ đã kích thích một số doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng Trung Quốc giá càng rẻ càng tốt bằng cách như hạ thấp chất lượng hàng đặt hoặc mua hàng chất lượng thấp.

Mặt khác, hàng chất lượng thấp tràn sang Việt Nam được là do năng lực cạnh tranh sản phẩm Trung Quốc hơn hẳn hàng VN (mẫu mã, chủng loại, giá cả...). Cùng với đó là cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu của ta lại chưa chặt chẽ.

Để đối phó với hàng nhập lậu bằng con đường “chất lượng và giá cả”, thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh nhạy, không đủ năng lực (vốn) và cơ chế gò bó nhiều mặt nên bỏ mất thời cơ. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thiếu nghiêm trọng; hệ thống kiểm soát chất lượng không chặt chẽ (bị buông lỏng), kém hiệu quả.

Thông tin về các sản phẩm “Có vấn đề” thiếu công khai. Hệ thống phân cấp quản lý hoạt động biên mậu phân tán, manh mún, thiếu đồng bộ và nhất quán, xung đột lợi ích các cấp.

Quản lý nặng về các biện pháp hành chính, thiếu các giải pháp kinh tế, khó chống buôn lậu. Hàng lậu kém phẩm chất tràn lan nhưng không có giải pháp chế tài nghiêm. Chống buôn lậu hay chống hàng kém chất lượng theo hiểu phong trào, chiến dịch, ít dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chức năng và cơ sở pháp lý, kém hiệu quả.

Theo PGS.TS, thì có 4 việc cần nghiên cứu để thực hiện việc chống hàng nhập lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường là: định rõ chiến lược phát triển biên mậu (đặc thù điều kiện và mục tiêu); tăng năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam;ban hành thể chế luật pháp và hành động Nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân vào cuộc.

Cụ thể, đối với chiến lược biên mậu, xác định rõ tính đặc thù của biên mậu, trong đó, làm rõ thế mạnh - yếu trong cạnh tranh. Luật lệ phải chặt chẽ, nghiêm khắc hơn, phối hợp hành động tốt hơn thì mới mong chặn được buôn lậu, cấm được hàng kém chất lượng.

Tăng năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt tầm nhìn chiến lược là tập trung tăng năng lực trên cơ sở lợi thế, tạo lợi thế mới, hạn chế “cạnh tranh đối đầu” (thu hẹp diện cạnh tranh và kiểm soát); liên kết được doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI đế “lớn nhanh”.

Gia cường pháp luật là cơ sở để luật thực thi nghiêm minh: các tiêu chuẩn “chặn” các “rào cản” phải cụ thể, đủ “cao”, đơn giản, dễ thực thi. Các chế tài phải đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với những hành vi phạm luật của những người thi hành luật, tăng hiệu lực vì dân của Luật bảo vệ người tiêu dùng. Vì hệ thống rào chắn pháp lý đối với hàng nhập khẩu chất lượng kém, độc hại của nước ta còn thiếu, thấp, thủng. Nhà nước phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp chống buôn lậu, hàng lậu.

Chính phủ cần phát động nhân dân chống buôn lậu vì buôn lậu mang tính phổ biến, chỉ có phát động dân mới chống được, bằng cách nắm bắt được nhu cầu của dân, công khai với dân, tích cực sử dụng báo chí và các phương tiện truyền thông để tuyên truyền tẩy chay hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.

 (TBKT)

Nguồn: Vinanet