Sản phẩm đa dạng:
Ngoài nghề truyền thống là sản xuất kẹo dừa với nhu cầu nguyên liệu đầu vào cực lớn, các sản phẩm chế biến từ quả dừa hiện cũng được các nước trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là thị trường châu Âu và Nhật Bản. Tại Trà Vinh, chỉ với hai loại sản phẩm chủ lực là cơm dừa sấy khô và than hoạt tính từ gáo dừa của công ty Trà Bắc (Trabaco) đã có thể mang lại doanh thu xuất khẩu hàng năm trên dưới 200 tỷ đồng.
 
Với dây chuyền công nghệ trong nước hiện có, quả dừa có thể chế biến thành 6 loại sản phẩm. Phần gáo dừa có thể chế biến thành than hoạt tính, cơm dừa sấy khô phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, xơ dừa được chế biến thành thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, phần mùn dừa rơi ra khi bóc vỏ, tách xơ cũng được chế biến thành đất sạch…riêng phần nước dừa được chế biến thành thạch dừa, kẹo dừa…Toàn bộ quả dừa đều có thể sử dụng chế biến thành các loại sản phẩm khác nhau, có giá trị kinh tế cao. Các loại sản phẩm này của Trabaco có mặt ở khoảng 30 quốc gia khắp các châu lục, với nhu cầu rất lớn. Riêng than hoạt tính, sản lượng của Cty Trabaco khoảng 3500-4000 tấn/năm nhưng vẫn không có đủ để xuất  khẩu, và không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
 
Thành phẩm từ dừa là sản phẩm ở dạng tinh chế, nên nguyên liệu cần phải được sơ chế, vì vậy, việc tạo ra sản phẩm thô từ quả dừa cũng thu hút và giải quyết được một lượng lớn lao động tại chỗ. Các công đoạn như sản xuất than gáo dừa, tách nước dừa, xơ dừa, mùn dừa…đều được thực hiện tại các hộ gia đình.
 
Hiện nay, cây dừa chưa xác định là cây công nghiệp dài ngày, phần lớn việc đầu tư trồng dừa hiện nay của người dân là hoàn toàn tự phát. Đặc biệt trong khâu chọn giống. Trong khi ở Philippin đã có những loại giống dừa cho năng suất trên 100 quả/năm và một loại giống dừa khác ở Thái Lan có thể cho năng suất đến 200 quả/năm, nhưng ở Việt Nam loại giống dừa được ưa chuộng hiện nay cũng chỉ khoảng 60 quả/năm là giống dừa dâu vàng và dâu xanh.
Theo giám đốc Cty Trabaco, cây dừa chưa được xác định là cây công nghiệp dài ngày khiến cho ngành chế biến từ nguyên liệu dừa đang đối mặt với những thiệt thòi. Các doanh nghiệp trong nước lại phải đối mặt với việc cạnh tranh nguyên liệu đầu vào khá gay gắt, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Dừa trái hiện đang rất hút hàng ở thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, giá mua thậm chí cao hơn so với các cơ sở chế biến trong nước vì rằng Trung Quốc thu mua dừa trái để chế biến ra các sản phẩm tương tự như ở Việt Nam nhưng không đủ phục vụ nhu cầu trong nước, trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là chế biến xuất khẩu. Cây dừa chưa được “quy hoạch” là loại cây thế mạnh, nhiều sản phẩm từ cây dừa vẫn chưa được thuế suất ưu đãi và hưởng vốn vay tín dụng xuất khẩu. Chẳng hạn như mặt hàng than hoạt tính, là sản phẩm có giá trị cao, nhưng lại có thời gian dự trữ nguyên liệu kéo dài, khiến doanh nghiệp rất cần được vay ưu đãi.
 

Nguồn: Vinanet