Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Để giữ vững vị trí này và nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam, ngành gạo cần phát triển bền vững cả về diện tích, chất lượng và nhất là sao cho thu nhập nông dân tăng thêm theo chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo.

Năng lực ngày càng được khẳng định 

Năng lực sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam vừa được ADB xếp vào vị trí Top 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ do 5 quốc gia này chiếm 87% thương mại gạo toàn cầu. Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tháng 10/2012, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ nhất về xuất khẩu gạo và ngành gạo đang nỗ lực để trong năm nay Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 10/2012, Việt Nam xuất khẩu được 5,949 triệu tấn gạo, thứ nhì là Ấn Độ 5,814 triệu tấn gạo, kế đến mới là Thái Lan 5,360 triệu tấn... VFA cũng dự kiến Việt Nam sẽ xuất được 7,534 triệu tấn gạo trong năm nay, có thể cao hơn là 7,7 triệu tấn. Như thế, triển vọng Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2012 nằm trong tầm tay.

Đạt được vị trí trên là nhờ ngành lúa gạo Việt Nam đã phát triển tốt nhiều mặt về cả diện tích lẫn phương thức canh tác và hoạt động hiệu quả của việc điều hành xuất khẩu gạo.

Hiện Việt Nam có diện tích lúa đủ nước tưới trên 80%, cao nhất khu vực ASEAN, trong đó, trên 1,71 triệu ha được tiêu nước chủ động. Ngành lúa gạo Việt Nam cũng đã giải được bài toán gieo sạ đồng loạt trên hàng triệu hecta, đẩy mạnh được công cuộc cách mạng về giống lúa và triển khai hiệu quả biện pháp ba giảm (giảm mật độ sạ, giảm dùng thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm). Vì thế, năng suất lúa tăng bình quân hàng năm. Năm 2005, sản lượng chỉ đạt 4,83 tấn/ha, nay đã là 5,32 tấn/ha, có nghĩa bình quân mỗi năm tăng gần 1 tạ/ha, bình quân 2%/năm, trong khi bình quân thế giới tăng chậm dưới 1%/năm.

Ngành lúa Việt Nam cũng đã thành công và áp dụng được nhiều phương pháp mới trong canh tác như công nghệ tế bào, công nghệ di truyền, công nghệ tái tổ hợp DNA... Nhiều diện tích lúa tại Việt Nam đã thực hiện theo tiêu chuẩn GAP nên nhiều chủng loại gạo đã nâng cao được chất lượng. Bên cạnh phát triển sản lượng, lúa gạo Việt Nam còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác như cơ khí phục vụ cây lúa, chế biến lúa gạo, sinh học nông nghiệp, du lịch sinh thái... và nhiều ngành nghề ăn theo cây lúa.

Hiện ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất nước, cũng là địa phương chủ động trong xuất khẩu gạo (chiếm 2/3 lượng gạo xuất khẩu cả nước) với diện tích trên 3,3 triệu ha, chiếm 50,13% diện tích lúa cả nước, cung cấp sản lượng lúa chiếm gần 52% cả nước. ĐBSCL có lợi thế trong phát triển cây lúa là có khí hậu ôn hòa, mưa nắng nhiều, sông rạch chằng chịt thuận tiện cho giao thông thủy và tưới tiêu. Đặc biệt, đất lúa ĐBSCL hàng năm luôn được bù đắp thêm phù sa từ hệ thống sông Mê Kông sau những mùa lũ về. Lợi thế này đã chứng minh được tính ổn định trong sản xuất lúa gạo so với vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Trung bộ.

Cây lúa tăng được sản lượng cũng nhờ nhiều vào nhận thức của nông dân ngày càng tăng về khoa học - kỹ thuật trong gieo trồng. Thập niên gần đây, nông dân luôn được các tổ chức, cơ quan liên quan từ các Sở NN-PTNT các địa phương, các trạm khuyến nông... hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật nên sản lượng lúa hiện có thể đạt đến 6-7 tấn/ha/vụ và mỗi năm trung bình làm được hai vụ, có nơi còn làm cả vụ ba. Có thể kể ra, Trà Vinh vừa phê duyệt Dự án xây dựng trại sản xuất lúa giống nguyên chủng chất lượng cao với vốn đầu tư 48,8 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống được sâu bệnh. An Giang đang tiên phong trong tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Chuỗi liên kết này tỏ ra hiệu quả ở những bước đầu. Bộ Tài chính cũng vừa bổ sung một số quy định về bảo hiểm nông nghiệp như nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân cho đơn vị được bảo hiểm thay cho 80% như trước. Theo thống kê, đến nay trên cả nước, tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 24.792 ha ha với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 800 tỷ đồng. Nhiều viện, trường cũng tích cực vào cuộc nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho cây lúa phát triển tốt hơn, nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu. Hạt gạo Việt Nam cũng được nhiều nước trên thế giới hỗ trợ kỹ thuật, giống để tăng năng suất. Mới đây, các nhà khoa học Ấn Độ cho biết sẽ giúp Việt Nam nghiên cứu phát triển giống lúa lai F1, nhất là tại ĐBSCL, và Ấn Độ là nước đã giúp đào tạo khoảng 70% cán bộ đầu ngành nông nghiệp cho Viện Lúa ĐBSCL. 

Góp phần trong việc tăng trưởng xuất khẩu gạo không thể không nhắc đến lực lượng DN thu mua, chế biến xuất khẩu gạo. Dù vẫn còn nhiều vấn đề, trở ngại cần hoàn chỉnh và khắc phục, nhưng các DN này đã đưa gạo Việt Nam đi đến nhiều nước trên thế giới, đã len lỏi vào những thị trường ngách tại các thị trường tiêu thụ lớn với những chủng loại gạo chất lượng cao. Năm 2012, dự kiến các hợp đồng thương mại do các DN ký sẽ vượt hơn hợp đồng do Chính phủ ký với các nước. Lượng DN này đang dần ổn định không vượt quá con số 100 theo quy định hoạt động xuất khẩu gạo.

Tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa 

Theo các chuyên gia, mặc dù đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, song vị trí này chưa thật bền vững vì sự bấp bênh trong thu nhập của người làm ra lúa gạo và chất lượng của sản phẩm chưa cạnh tranh được trên thị trường thế giới. 

Với nông dân, dù là người trực tiếp làm ra lúa gạo song vẫn chưa được hưởng đúng với công sức bỏ ra, và thu nhập luôn không ổn định, tăng giảm theo giá thị trường. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, 30% lợi nhuận từ giá lúa được giữ lại cho người nông dân nếu đạt được vẫn thấp hơn thu nhập 1 USD/người/ngày. Vì thế, để tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong sản lượng gạo, ngành lúa gạo nên chú trọng việc phân chia hợp lý hơn thu nhập từ giá trị gia tăng của hạt gạo cho người nông dân. Theo thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung thuộc Viện Nguyên cứu phát triển TP.HCM, trong tình hình mới, Chính phủ nên xây dựng chiến lược nông nghiệp cho các vùng trồng lúa lớn như ĐBSCL, trong đó hỗ trợ nông dân theo hướng mới, khoa học và căn bản hơn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, lúa gạo cũng nên được xem là loại hàng chính trị, vì thế cần đầu tư thỏa đáng hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Chính phủ cần có chính sách thiết thực giúp nông dân tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo và hưởng thêm lợi nhuận từ sự tham gia này. Nếu làm được như thế, thu nhập của nông dân sẽ tăng, từ đó khuyến khích họ bám đồng ruộng, tăng chăm lo cho chất lượng cây lúa.

Hiện năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam vẫn còn thấp, còn thua về giá trị thương phẩm so với gạo của Thái Lan, vì thế mức giá trung bình bán trên thị trường luôn thấp hơn từ 100-200 USD/tấn. Lời giải về giá cho hạt gạo cũng cần phải được tính toán. Theo tiến sĩ Võ Tòng Xuân, cần phải xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để khẳng định giá trị hạt gạo. Mà điều này thì người nông dân không thể tự làm mà cần sự chung tay của các nhà khoa học về giống, các DN về thị trường, bao tiêu sản phẩm, các ngân hàng trong cung cấp vốn tín dụng ưu đãi, nhất là Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích các thành phần kinh tế trên tham gia vào chuỗi xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Cơ chế, chính sách hợp lý sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng lên trong lĩnh vực lúa gạo, tăng nhiều DN kinh doanh trong nông nghiệp theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để triển khai công nghiệp hóa.

Bên cạnh đó, ngành lúa gạo không nên xem yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ là những lợi thế so sánh nữa, mà phải nâng cao yếu tố tri thức trong sản xuất và quản lý.

Nếu các biện pháp trên được triển khai đồng bộ, theo tiến sĩ Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật - kinh tế biển TP.HCM, với diện tích sản xuất lúa ĐBSCL từ 2,7-3 triệu ha, tăng đầu tư khoa học - kỹ thuật, giống cho nông dân để phấn đấu đạt năng suất từ 6-7 tấn/ha/vụ và mỗi năm làm hai vụ, Việt Nam sẽ có 36 triệu tấn lúa với khoảng 18 triệu tấn gạo. Như vậy, mỗi năm Việt Nam vẫn xuất khẩu được khoảng 10 triệu tấn gạo, tiếp tục đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo./.

Nguồn: Báo thương mại