Những thay đổi trong thực hiện quy tắc xuất xứ của Hoa Kỳ khi TPP kết thúc sẽ có một số điểm khác cơ bản so với những FTA hiện hành. Theo bà Cathy Sauceda Zimmerman, chuyên gia cao cấp về hải quan và quy tắc xuất xứ của USAID (Hoa Kỳ), nắm rõ được những sự khác nhau này là DN XNK Việt Nam nắm được những cơ hội mới cho chính mình.

Mỗi FTA của Hoa Kỳ với các đối tác có quy định riêng về xuất xứ tùy thuộc kết quả đàm phán. Tuy nhiên, nhìn chung, trong các FTA của Hoa Kỳ, hàng hóa được xem “có xuất xứ” để hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA nếu đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tiêu chí thứ nhất là xuất xứ nội địa hoàn toàn - hàng hóa được chế tác hoặc tạo ra trên lãnh thổ của một hay các nước thành viên FTA. Tiêu chí thứ hai là xuất xứ nội vùng (hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều thành viên bằng các nguyên liệu “có xuất xứ” từ một hoặc nhiều thành viên của FTA đó).

Trong các FTA với Hoa Kỳ, chuyển đổi dòng thuế là một trong những tiêu chí có sự khác nhau mà DN cần biết để đáp ứng nhằm hưởng ưu đãi thuế quan. Ở tiêu chí này, hàng hóa được coi là “có xuất xứ” khi được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều nước thành viên và có sự chuyển đổi dòng thuế giữa nguyên liệu “không xuất xứ” (nguyên liệu NK từ một nước không phải là thành viên của FTA) và thành phẩm XK. Tuy nhiên, theo các FTA đã ký của Hoa Kỳ, tiêu chí chuyển đổi dòng thuế này không phải là tiêu chí áp dụng chung và tuyệt đối, tức là không phải bất kỳ khi nào có sự khác biệt về mã HS giữa hàng hóa và nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó thì đều được xem là thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ. Mỗi FTA của Hoa Kỳ đều có các phụ lục rất dài quy định về tiêu chí chuyển đổi dòng thuế áp dụng đối với từng loại hàng hóa. Do đó lời khuyên cho DN hiện nay là tham khảo những phụ lục trong những FTA mà Hoa Kỳ đã ký với một số quốc gia và việc cần làm ngay là bắt đầu thay đổi thói quen trong sản xuất bằng việc phải nắm được mã HS cho những nguyên vật liệu được mua ở nước ngoài dùng để sản xuất hàng hóa XK vào Hoa Kỳ.

Một sự khác nhau cơ bản khác nằm ở tiêu chí hàm lượng nội địa. Khác với cách tính hàm lượng nội địa ở các FTA khác là hàng hóa nếu đáp ứng một tỷ lệ nội địa nhất định được coi là “có xuất xứ”, trong các FTA với Hoa Kỳ, DN không cần chuyển đổi về phân loại thuế quan nếu tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt mức 35% theo phương pháp build-up (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “có xuất xứ” từ các nước thành viên của FTA) hoặc 45% theo phương pháp build-down (chỉ tính hàm lượng giá trị các nguyên liệu “không có xuất xứ” từ các nước thành viên của FTA). Lời khuyên cho DN trong việc áp dụng tiêu chí này là cần có chuyên gia về kế toán nhằm tính toán hàm lượng giá trị nội địa một cách nghiêm túc bởi nếu phía Hoa Kỳ kiểm tra và kết quả kiểm tra cho thấy không có sự chính xác trong tỷ lệ giá trị nội địa, chắc chắn DN XK sẽ bị phạt, mất uy tín và gặp nhiều rắc rối khác trong việc thực thi chế tài của Hoa Kỳ.

Ngoài những tiêu chí được sử dụng phổ biến trong nhiều FTA của Hoa Kỳ, một số FTA có quy định những phương pháp đơn lẻ khác. Ví dụ như phương pháp “mức tối thiểu”. Lúc này, dù không đáp ứng tiêu chí “có xuất xứ” theo bất kỳ phương pháp nào, hàng hóa NK vẫn có thể được xem là “có xuất xứ” nếu tổng trị giá nguyên liệu “không xuất xứ” chiếm không quá một tỷ lệ nhất định, ví dụ 10% theo FTA Hoa Kỳ - Australia.

Không chỉ cần nắm được những thay đổi cơ bản trong quy tắc xuất xứ hàng hóa của FTA với Hoa Kỳ mà hiểu rõ những quy định chung trong NK hàng hóa vào thị trường này cũng mang lại nhiều lợi ích cho DN. Đối với cơ quan Hải quan Hoa Kỳ, nếu nhận được dữ liệu của hàng hóa trước khi hàng đến cảng 24h, hàng hóa được xếp vào loại không có rủi ro sẽ được thông quan ngay khi đến cảng, thậm chí còn được hoàn tất thủ tục thông quan trước khi hàng tới cảng. Khi XK hàng hóa vào Hoa Kỳ DN cần biết một số thông tin cơ bản về các cơ quan mà theo luật pháp Hoa Kỳ có quyền không cho thông quan hàng hóa. Ví dụ như Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực thi Luật chống khủng bố sinh học, Cục Kiểm tra và An toàn Thực phẩm kiểm tra an toàn thực phẩm trong thịt gia súc, gia cầm và trứng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ kiểm tra vật liệu đóng gói gỗ có bị mối mọt hoặc có nguồn gốc bất hợp pháp hay không… Ở Hoa Kỳ nếu một trong những cơ quan trên nghi ngờ về một vấn đề nào đó của hàng hóa NK, hàng NK sẽ bị “kẹt” tại cảng sẽ mất 800-1.000 USD chi phí lưu kho bãi mỗi ngày. Do đó nhà XK Việt Nam có thể được hưởng nhiều lợi ích và tránh thiệt hại nếu có những kiến thức về các vấn đề XNK với Hoa Kỳ. Càng biết nhiều kiến thức về XNK càng khiến uy tín của nhà XK được nâng cao trong đánh giá của nhà NK Hoa Kỳ. Từ đó mối quan hệ giữa nhà NK và XK sẽ tốt hơn bởi tâm lý của nhà NK Hoa Kỳ là sẽ yên tâm hơn với những DN XK hiểu biết kỹ càng về những quy tắc khi XK hàng vào thị trường này.

(HQ)

Nguồn: Hải quan Việt Nam