Tại buổi toạ đàm Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2009 được tổ chức, ngày 9/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Một trong những biện pháp quan trọng nhất để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp là phải đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu. Vì vậy, hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 19 (VietNam Expo 2009) được coi như cầu nối thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới.

Theo đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới, đồng thời chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các cơ quan quản lý tăng cường công tác thông tin, dự báo về giá cả thị trường trong và ngoài nước nhằm giúp các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các Hiệp hội, ngành hàng cũng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và gắn kết các doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cũng nêu rõ: Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, thời gian qua Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đã thực hiện hàng loạt các biện pháp về chính sách thuế, tiền tệ, đầu tư, lãi suất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: Cùng với các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho các cơ quan thương vụ tại nước ngoài để họ phát huy tốt hơn vai trò cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước.

Thời gian qua, Việt Nam bị tác động một phần từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kim ngạch xuất khẩu quý I đạt xấp xỉ 13,48 tỷ USD, chỉ tăng 2,4% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: giày dép, thuỷ sản, cà phê, dệt may...đều giảm từ 10 đến 20%.
 

Nguồn: Vinanet