Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn trước các vụ kiện phòng vệ thương mạiQuy định mới về các biện pháp phòng vệ thương mại
Xu hướng điều tra ngày càng mở rộng
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, chiếm 65% tổng số vụ việc trong vòng 20 năm qua. Tính đến nay hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với 239 vụ việc liên quan kiện phòng vệ thương mại.
Mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại ngày một đa dạng. Đáng kể, là ngành có kim ngạch xuất cao, nông thủy sản Việt Nam mỗi năm đem về kim ngạch xuất khẩu từ 10-12 tỷ USD; các sản phẩm như tôm, cá tra, basa, mật ong của Việt Nam luôn thường trực đối diện với các vụ điều tra, cảnh báo điều tra, khởi kiện và áp đặt chống trợ cấp thuế,...
Doanh nghiệp làm gì để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại?
Năm 2021, lần đầu tiên mật ong của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá do Hoa Kỳ tiến hành, mặc dù sản phẩm này bị điều tra năm 2021 và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có kết luận cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chính thức với mật ong, với mức thuế sơ bộ là 400%, kết luận cuối cùng đã giảm còn 60%.
Ngoài mật ong, cá tra, ba sa và tôm là sản phẩm đầu tiên bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, cho nên từ đó đến nay, hàng năm cá tra, ba sa của Việt Nam đều bị Hoa Kỳ vẫn yêu cầu rà soát để điều tra chống bán phá giá. Đối với tôm hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam phải trải qua 18 cuộc rà soát lớn, còn cá tra, basa là 19 vụ rà soát.
Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại - cho biết, các vụ việc phòng vệ thương mại trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ, nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn. Trong đó, hiện Hoa Kỳ là nước điều tra chống lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng. Nếu như trước đây chủ yếu là Hoa Kỳ, EU nhưng gần đây, các nước đang phát triển, cũng như các nước có FTA với Việt Nam cũng đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại ngày càng nhiều hơn.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Hằng Nga, năm 2020, Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa vấn đề định giá thấp tiền tệ vào chương trình điều tra trợ cấp thuế, điều này làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại cũng khắt khe hơn, thủ tục điều tra ít khi gia hạn, biên độ thuế phòng vệ thương mại bị áp dụng cũng rất cao nếu doanh nghiệp không tích cực hợp tác trong quá trình điều tra.
Cần sự chuẩn bị ứng phó từ sớm
Trong bối cảnh điều tra phòng vệ thương mại là hình thức phổ biến, và ngày càng mở rộng về mặt thị trường, ngành hàng vì vậy nguy cơ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều khó tránh khỏi đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các vụ điều tra phòng vệ thương mại thông qua các cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước mà chúng ta xuất khẩu. Tiếp theo đó là thông tin từ Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương là nơi đầu mối nắm tất cả các vụ kiện. Cùng đó là Văn phòng luật sư để tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật các thông tin quan trọng về diễn biến thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp.
“Mặt khác, dù mỗi thị trường khác nhau sẽ có cách điều tra khác nhau, tuy nhiên, điểm chung mà họ đều nhắm tới ở các vụ kiện đó là vùng nguyên liệu, sản xuất bán hàng của doanh nghiệp. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm, cũng như phải chuẩn bị ngay từ đầu để có cách ứng phó phù hợp, hiệu quả"- Luật sư Đinh Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết hiệp hội ngành hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp các doanh nghiệp để ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của thị trường. Với sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng, thậm chí các tổ chức như VCCI chúng ta sẽ có tiếng nói chung của các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta sẽ có kiến nghị kịp thời đối với Chính phủ, các cơ quan đối tác để tiến hành điều tra một cách chừng mực và phù hợp quy định quốc tế, ví dụ như quy định của WTO.
Lưu ý thêm, Luật sư Đinh Ánh Tuyết cho hay, một trong những sự chuẩn bị quan trọng nhất của Việt Nam là hoàn thiện hệ thống kế toán và số liệu sản xuất. Bởi thời gian điều tra thương rất ngắn, Cơ quan điều tra càng ngày càng thắt chặt hơn việc gia hạn điều tra, vì họ coi doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm rồi. Vì vậy, nếu có xin gia hạn điều tra cũng chỉ gia hạn được 1 - 2 tuần. Như vậy, doanh nghiệp có sẵn hệ thống hồ sơ truy xuất nguồn gốc và tài liệu hồ sơ thì điều đó rất hữu ích.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Hằng Nga cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, công bố cho các doanh nghiệp, Hiệp hội và các địa phương, Bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp, theo dõi. “Khi nhận được những danh sách này thì doanh nghiệp đầu tiên nên rà soát xem là trong danh mục có những mặt hàng mình đã xuất khẩu hay không? Những thị trường mà mình đang xuất khẩu có phải là những thị trường bị điều tra nhiều hay không”- bà Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có thể nghe ngóng từ nhiều nguồn, từ chính các nhà nhập khẩu của mình. Đồng thời, cần cập nhật thông tin liên quan đến các vụ kiện từ các văn phòng luật sư hay từ chính các cơ quan phòng vệ thương mại từ Hiệp hội… Sự chuẩn bị này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nhiều hơn, tốt hơn về cả nguồn lực, kiến thức quy định pháp luật của nước sở tại.
Đặc biệt, bà Nguyễn Hằng Nga khuyến nghị, các doanh nghiệp cần quan tâm và lắng nghe theo dõi diễn biến của các vấn đề liên quan đến kiện phòng vệ thương mại để có sự phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, hiệp hội cần cử ra một đầu mối để thường xuyên liên lạc với cơ quan quản lý về phòng vệ thương mại; thiết lập một kênh trao đổi thông tin xuyên suốt nhằm không để lỡ thông tin nào về các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Như vậy, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa doanh nghiệp, ngành hàng sẽ có sự chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại một cách hiệu quả; đặc biệt là tránh được các thiệt hại, cũng như các ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu.