Theo Điều 4, áp dụng từ ngày 27/7/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là 5 triệu đồng/vụ việc. Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh là 25 triệu đồng/hồ sơ.

Áp dụng từ ngày 01/01/2021 trở đi, mức phí áp dụng của hai loại phí trên sẽ tăng gấp đôi mức phí áp dụng trong năm 2020, là 10 triệu đồng/vụ việc với phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan; 50 triệu đồng/hồ sơ với phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ.

Khi có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng 100% mức phí nêu trên.
Người có yêu cầu độc lập phải chịu phí đối với yêu cầu độc lập của họ nếu yêu cầu đó không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Trường hợp được chấp nhận, người có yêu cầu độc lập được trả lại số tiền phí tạm ứng đã nộp.
Khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, người nộp hồ sơ phải nộp 100% mức phí nêu trên và không được hoàn trả trong mọi trường hợp.
Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi sổ tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/7/2020.
Xem chi tiết Thông tư 58/2020/TT-BTC tại đây.

Nguồn: VITIC