Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến góp ý lần thứ 2, thay vì 2 phương án, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất một phương án mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm của người lao động và người sử dụng lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ do các bên thỏa thuận nhưng số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Thực hiện quy định này kể từ năm 1995 đến nay, đã có rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa. Hàng năm tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn được nới rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ để tạo điều kiện cho họ làm thêm để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng) vì việc quy định làm thêm giờ theo tháng sẽ cứng nhắc, không linh hoạt, chưa phù hợp với thực tế chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh như: gia công hàng hóa xuất khẩu, chế biến thủy hải sản xuất khẩu).
Tại Điều 82 của dự thảo Bộ luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.
Tuy nhiên, ý kiến khác đề xuất không tăng số giờ làm thêm tối đa.
Sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế), tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lấy ý kiến góp ý lần thứ nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm.
Phương án 2: Tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý, tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến góp ý lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong 1 năm lên mức 400 giờ để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày.
Cụ thể, tại Điều 82 của dự thảo Bộ luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương