Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
Mức 3.070.000 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
So với năm 2019, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, việc xây dựng lại thang lương, bảng lương của doanh nghiệp phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc:
“Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.
Do đó, khi mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng mà mức lương của người lao động tại doanh nghiệp đang ở dưới mức lương tối thiểu vùng theo nguyên tắc nêu trên thì doanh nghiệp đó phải xây dựng lại thang lương, bảng lương.
Tại điểm 2.6, khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu: “Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường".
Để phù hợp với quy định nêu trên, khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/01/2020, các doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng.
Điều này cũng đồng nghĩa với tăng tiền nộp kinh phí công đoàn. Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định: “Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, khi mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong doanh nghiệp tăng như phân tích ở trên, doanh nghiệp phải điều chỉnh mức đóng kinh phí công đoàn.
Tuy nhiên, khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 01/01/2020, không phải mọi doanh nghiệp đều cần phải thực hiện những điều trên. Chỉ những doanh nghiệp đang trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định thì mới cần phải điều chỉnh.
Từ ngày 01/01/2020, Nghị định này làm hết hiệu lực Nghị định 157/2018/NĐ-CP.