Theo đó, Thông tư quy định nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí như sau: Chi phí phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ được cấp trong kinh phí hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp.

Chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hoạt động khác phục vụ công tác phòng ngừa, giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được cấp cho cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở trung ương thì do ngân sách trung ương đảm bảo. Trường hợp cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở địa phương thì do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định về phân cấp ngân sách.

Về nội dung chi, trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc gửi thông báo ý định khởi kiện, gồm: chi phục vụ hoạt động nghiên cứu pháp luật, điều ước quốc tế; chi tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế; chi phục vụ hoạt động tham vấn, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài...

Trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn khởi kiện ra trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, các nội dung chi gồm: xây dựng chiến lược, phương án tham gia giải quyết tranh chấp; chi công tác chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc; xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ...

Đối với giai đoạn tranh chấp đầu tư quốc tế được giải quyết tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, nội dung chi gồm: chi thuê luật sư đại diện cho Chính phủ, cơ quan nhà nước và chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế; chi phí cho nhân chứng tham gia vụ kiện; chi phiên dịch tại phiên xét xử....

Thông tư cũng quy định các mức chi đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện theo chế độ hiện hành, gồm: kinh phí cho các cuộc họp, hội nghị, công tác phí trong nước; chi phí đi công tác nước ngoài, tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; chi làm đêm, thêm giờ; chi phí dịch tài liệu của vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế....

Một số mức chi cụ thể như: Chi xây dựng phương án đàm phán, hòa giải với nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền giao; xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài; xây dựng bản tự bảo vệ của Chính phủ; xây dựng bản kháng biện cho Chính phủ và xây dựng phương án khi tham dự các phiên xét xử tại Hội đồng trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ: Tùy theo tính chất phức tạp của từng loại báo cáo, thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định mức chi hỗ trợ cụ thể, nhưng tối đa không quá 12.000.000 đồng/báo cáo được cấp có thẩm quyền thông qua.

Chi thuê địa điểm xét xử (nếu có): Tùy theo địa điểm xét xử của từng phiên xét xử theo yêu cầu cụ thể của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm việc thuê địa điểm xét xử trên cơ sở hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ.

Chi phí thuê luật sư và chuyên gia được chi trả theo hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với các chủ thể này,...

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.

Nguồn: Baohaiquan.vn