Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của công ty tài chính phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Cụ thể, số lần nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ.
Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Bảo mật thông tin khách hàng theo quy định.
Đồng thời, công ty tài chính còn phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản như quyền, nghĩa vụ của khách hàng, biện pháp thu hồi nợ… để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, công ty tài chính cũng phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của công ty mình khung lãi suất cho vay, các loại phí, phương pháp tính lãi…
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đó tại thời điểm cuối ngày làm việc liền kề trước ngày ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau:
Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%. Từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%. Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%. Từ ngày 01/01/2024 trở đi là 30%.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN.
Xem chi tiết Thông tư 18/2019/TT-NHNN tại đây.
Nguồn: VITIC