Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.Theo đó, các giao dịch rút tiền mặt qua thẻ tín dụng trong và ngoài nước sẽ bị giới hạn theo quy định mới, để phù hợp với thông lệ các nước và hạn chế rủi ro.

Đối với hoạt động rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, để hạn chế việc sử dụng ngoại tệ dùng trong chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối, tại dự thảo quy định các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ tại nước ngoài sẽ bị giới hạn hạn mức tối đa theo ngày.

Cụ thể, hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.

Trong giao dịch rút tiền mặt VND từ các máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) của đơn vị chấp nhận thẻ, khách hàng chỉ được rút tối đa không quá 5 triệu đồng mỗi ngày. Điều này được ban hành nhằm hạn chế các rủi ro trong thanh toán tiền mặt và phù hợp với thông lệ các nước.

Trong dự thảo được sửa đổi bổ sung, không đưa ra các quy định trong giao dịch ứng tiền tại các máy ATM. Như vậy, khách hàng vẫn có thể rút tiền mặt qua máy ATM nhưng phải trả phí giao dịch khá lớn (từ 2-3%) và tiếp tục chịu lãi suất (như hình thức vay tiền). 

Ngoài ra, đối tượng sử dụng thẻ tín dụng cũng được mở rộng thêm cho các chủ thẻ trong độ tuổi tử 15 – 18 tuổi đối với thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ  được thấu chi trong các quy định hiện hành với đối tượng được vay của Luật các Tổ chức tín dụng.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về việc phát hành thẻ ghi nợ không được thấu chi cho chủ thẻ phụ là người từ đủ 6 tuổi vì không khả thi trong điều kiện của các ngân hàng.

Đối với việc phát hành thẻ cho người nước ngoài, người sử dụng thẻ phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên.Thời hạn hiệu lực của thẻ của cá nhân trong trường hợp này không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

Quy định này là nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian ngắn, mở thẻ rồi xuất cảnh và sử dụng thẻ để thực hiện hoặc tiếp tay cho các hoạt động phạm tội.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam.

Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: Hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.

Đây cũng là lần đầu tiên NHNN đưa ra dự thảo quy định theo hướng giới hạn hạn mức tín dụng tối đa theo từng trường hợp phát hành thẻ tín dụng (có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm).

Tất cả quy định trên cũng nhắm hướng tới mục đích quản lý tốt hơn hoạt động thanh toán thẻ tín dụng, hạn chế những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng.

Nguồn: Doanhnghiepvn.vn