Phân định rõ hai loại định mức

Tại Thông tư 38/2015/TT-BTC hiện hành quy định chung về định mức thực tế; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải xây dựng định mức; lưu giữ các chứng từ liên quan đến định mức và xuất trình khi cơ quan Hải quan yêu cầu. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế hoạt động gia công, sản xuất hàng hóa tại các DN, đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Hải quan, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC phân định rõ về định mức kỹ thuật và định mức thực tế. Cơ quan Hải quan sử dụng định mức kỹ thuật để phân tích quá trình hoạt động gia công, sản xuất hàng hóa XK, không làm cơ sở để kết luận việc tổ chức, cá nhân sử dụng nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất sản phẩm XK sai quy định.

Thông tư cũng quy định về định mức thực tế, cách xác định định mức thực tế; thời điểm nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư; tổ chức, cá nhân và cơ quan Hải quan sử dụng định mức thực tế sản xuất để xác định số thuế khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa sản phẩm, hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi cơ quan Hải quan kiểm tra, thanh tra.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC cũng sửa đổi quy định về thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công. Theo Thông tư 38 hiện hành, trước khi NK lô hàng đầu tiên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cơ sở sản xuất đến chi cục hải quan nơi dự kiến làm thủ tục NK. Trừ DN chế xuất không phải thực hiện thông báo này. Để phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật Hải quan, điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Thông tư 38 sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau: Tổ chức, cá nhân thông báo cơ sở sản xuất theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 20 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và các chứng từ khác kèm theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 08/2015/NĐ-CP cho chi cục hải quan dự kiến lựa chọn làm thủ tục hải quan thông qua hệ thống, bao gồm cả trường hợp là DN chế xuất.

Trường hợp lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản xuất ngoài cơ sở sản xuất thì trước khi đưa nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đến địa điểm lưu giữ, tổ chức, cá nhân phải thông báo địa điểm lưu giữ cho chi cục hải quan quản lý thông qua hệ thống theo mẫu số 20 Phụ lục II hoặc theo mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư.

Trường hợp thay đổi nơi đã thông báo cơ sở sản xuất thì tổ chức, cá nhân thông báo đến chi cục hải quan quản lý, chi cục hải quan nơi dự kiến chuyển đến thông qua hệ thống hoặc bằng văn bản, thực hiện thông báo cơ sở sản xuất cho chi cục hải quan nơi dự kiến chuyển đến và thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công theo các chỉ tiêu thông tư quy định tại mẫu số 21, mẫu số 22 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư cho chi cục hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; số tiếp nhận hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công được khai trên tờ khai XK, NK tại chỉ tiêu ô giấy phép.

Chia sẻ thông tin bằng điện tử

Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về nộp báo cáo quyết toán chậm nhất 90 ngày kể từ ngày hết năm tài chính người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa XK trong năm tài chính cho cơ quan Hải quan. Để phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Hải quan; đồng thời cải cách phương thức quản lý hiện đại, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động nhập kho nguyên liệu, vật tư NK, xuất kho nguyên liệu, vật tư; nhập kho thành phẩm, xuất kho thành phẩm theo chuẩn dữ liệu với hệ thống của cơ quan Hải quan ngay khi các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xuất, nhập kho thì không phải thực hiện báo cáo quyết toán. Cơ quan Hải quan thực hiện phân tích, đánh giá sự phù hợp giữa các dữ liệu do tổ chức, cá nhân gửi qua hệ thống với dữ liệu trên hệ thống của cơ quan Hải quan làm cơ sở quyết định việc kiểm tra theo quy định.

Đối với tổ chức, cá nhân chưa tham gia kết nối hệ thống thì thực hiện nộp báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL, mẫu số 15b/BCQT-SP/GSQL và mẫu số 16/TBDMTT-GSQL.

Trong việc sửa báo cáo quyết toán, Thông tư sửa đổi cho phép trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán nhưng trước thời điểm cơ quan Hải quan ban hành quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót trong việc lập báo cáo quyết toán thì được sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán và nộp lại cho cơ quan Hải quan. Hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán hoặc sau khi cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, tổ chức, cá nhân mới phát hiện sai sót trong việc lập báo cáo quyết toán thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán với cơ quan Hải quan và bị xử lý theo quy định pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Xử lý chênh lệch thừa, thiếu nguyên liệu

Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã giải quyết vướng mắc trong thời gian qua về xử lý chênh lệch thừa, thiếu nguyên liệu, vật tư sau kết quả kiểm tra. Trường hợp kiểm tra xác định số lượng nguyên liệu, vật tư NK thực tế tồn kho chênh lệch so với số liệu trên chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo nhập-xuất-tồn, số liệu XNK thì yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xử lý. Nếu tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh và giải trình được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch thì chấp nhận số liệu cung cấp, ghi nhận số liệu thực tế kiểm tra, ban hành kết luận kiểm tra và cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống.

Nếu tổ chức, cá nhân không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh thì thực hiện việc xử lý theo hồ sơ hiện có của cơ quan Hải quan. Nếu giải trình của tổ chức, cá nhân không đủ cơ sở chứng minh nguyên nhân dẫn đến chênh lệch thì cơ quan Hải quan xử lý như sau: Trường hợp cơ quan xác định được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch thì thực hiện xử lý vi phạm với hành vi tương ứng và căn cứ quy định pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan và hồ sơ hiện có để quyết định xử lý thuế.

Trường hợp cơ quan không xác định được nguyên nhân dẫn đến chênh lệch thì xử lý theo hướng: Nếu số lượng nguyên liệu, vật tư NK thực tế tồn kho, số liệu trên chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo nhập-xuất-tồn nhỏ hơn số liệu XNK thì cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế. Nếu số lượng nguyên liệu, vật tư NK thực tế tồn kho, số liệu trên chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo nhập-xuất-tồn lớn hơn số liệu XNK và tổ chức, cá nhân được tiếp tục sử dụng nguyên liệu dư thừa để sản xuất hàng hóa XK không thực hiện ấn định thuế.

Nguồn: Baohaiquan.vn