Theo Thông tư, các nội dung chi thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến bao gồm: chi chế độ trợ cấp, phụ cấp; chi đóng bảo hiểm y tế; chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khoẻ; chi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; chi thanh toán chí phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa...
Thông tư cũng yêu cầu truy thu đối với các trường hợp hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trường hợp đúng đối tượng được hưởng nhưng phải điều chỉnh giảm mức trợ cấp thì đối tượng phải nộp trả ngân sách trung ương phần chênh lệch đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được điều chỉnh theo quyết định điều chỉnh mức trợ cấp của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để được hưởng chế độ không đúng quy định thì đối tượng phải nộp trả ngân sách trung ương toàn bộ số tiền đã được hưởng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thu hồi, xử lý các khoản trợ cấp của đối tượng đã hưởng không đúng quy định theo quyết định của cấp có thẩm quyền vào ngân sách trung ương; báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo quyết toán hàng năm của cơ quan gửi Bộ LĐTBXH tổng hợp, gửi Bộ Tài chính.
Đối với quy định về truy lĩnh, trường hợp đối tượng chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ mức trợ cấp thì được truy lĩnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Cơ quan LĐTBXH thực hiện chi trả một lần cho đối tượng vào tháng liền sau với tháng ghi trong quyết định điều chỉnh mức trợ cấp.
Kinh phí thực hiện truy lĩnh trợ cấp từ nguồn kinh phí thực hiện chính chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trường hợp dự toán được giao không đảm bảo để thực hiện chi trả, cơ quan LĐTBXH có văn bản đề nghị bổ sung dự toán gửi Bộ LĐTBXH tổng hợp gửi Bộ Tài chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Xem chi tiết Thông tư thong-tu-101-2018-tt-btc_ERFO.pdf
Nguồn: Baohaiquan.vn