Gặp đại diện Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital bên lề Lễ trao giải báo cáo thường niên 2015 ở trụ sở Hose, câu đầu tiên nghe được là “đại hạn, đại hạn”. Hỏi “Đại hạn gì?”. “Công ty Trang thiết bị y tế Việt - Nhật JVC chứ còn gì nữa”.
Các quỹ của Dragon Capital đang nắm giữ chừng 10% cổ phần của JVC, khoảng 10 triệu cổ phiếu cả thảy. Đến thứ Ba 30-6, JVC giảm sàn 16 phiên, vẫn dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị. Từ mức 22.000 đồng, giờ thị giá JVC còn 8.100 đồng/cổ phiếu. Tài sản của Dragon Capital ở JVC “bay hơi” 139 tỉ đồng trong hơn hai tuần.
Thế vẫn chưa thấm vào đâu so với các tổ chức đầu tư Nhật Bản. Quỹ DI Asia Industrial Fund sở hữu 19,4% cổ phần JVC, tương đương 21,7 triệu cổ phiếu, đã mất 301,6 tỉ đồng. Các tổ chức khác như Dream Incubator và Orix Corporation cũng mất tiền. Hàng chục triệu đô la Mỹ của các cổ đông JVC đã “không cánh mà bay”.
Nói “sự mất” ở đây chỉ là tương đối. Nếu thị giá JVC tăng trở lại, số tiền “bay hơi” sẽ trở về. Nhưng thị trường ngờ rằng cổ phiếu JVC có thể chưa ngừng rơi. Nỗi ám ảnh cổ phiếu thành tờ giấy trắng xuất hiện. Vấn đề là liệu Công ty JVC sẽ đi đâu, về đâu khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm nguyên Tổng giám đốc, người sáng lập và điều hành JVC ông Lê Văn Hướng đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì bị cáo buộc có một số sai phạm cá nhân theo như công bố thông tin của công ty gửi Hose ngày 23-6-2015.
Một trong những thông tin liên quan đến JVC được thị trường chú ý là Công ty Chứng khoán Ngân hàng VPB (VPBS) đã bán giải chấp hơn 2 triệu cổ phiếu JVC của ông Lê Văn Hướng. Trước đó một tuần 1,8 triệu cổ phiếu của vợ ông (thành viên hội đồng quản trị) cũng bị Công ty Chứng khoán Phú Hưng bán giải chấp. Điều này cho thấy vợ chồng ông chủ tịch đã thế chấp cổ phiếu JVC như tài sản đảm bảo để sử dụng dịch vụ ký quỹ (margin) của các nhà môi giới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi xảy ra sự việc, cổ phiếu JVC được phần lớn các công ty chứng khoán cho ký quỹ ở mức 50%, tức nếu nhà đầu tư có 1 cổ phiếu JVC, thì được vay tiền để mua 1 cổ phiếu JVC nữa.
Trong giao dịch ký quỹ, thông thường các nhà môi giới đều ấn định sẵn nếu cổ phiếu biến động về một mức nào đó, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền hoặc tài sản đảm bảo (có thể bằng các cổ phiếu khác nằm trong danh mục được ký quỹ). Nếu nhà đầu tư không bổ sung tiền, tài sản, hệ thống chặn lỗ sẽ được kích hoạt và cổ phiếu được đưa vào bán tự động, giúp công ty chứng khoán thu hồi được gốc vay và lãi. Rủi ro nhà đầu tư gánh chịu. Lệnh bán được lập trình sẵn, được kích hoạt tự động, không cần biết khách hàng là ai, liệu có thuộc diện phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Thành ra cổ phiếu của vợ chồng ông Hướng bán rồi, sự vi phạm công bố thông tin mới được giải trình.
Khi JVC giảm sàn ba phiên, nhằm ngăn chặn rủi ro hàng loạt công ty chứng khoán đã cắt dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) đối với cổ phiếu này, làm tăng cường việc bán ra. Do lực bán tháo quá lớn, nhiều lệnh đặt bán tự động được kích hoạt mà không khớp, các nhà môi giới đã không thu hồi được vốn cho vay. Nếu nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”, giao luôn tài khoản cho công ty chứng khoán, thì công ty chứng khoán lãnh đủ và trường hợp này được giới đầu tư Việt gọi bằng ba từ “cháy tài khoản”. “Cháy tài khoản” đã từng xảy ra không ít lần những năm 2008-2010.
Tuần trước một nhà đầu tư cá nhân đã mạo hiểm mua 10.000 cổ phiếu JVC khi ông tính toán thị giá đã sụt giảm 50%. Cổ phiếu chưa về tài khoản, ông thấy giá trị đầu tư của mình đã giảm 14% so với giá gốc. Ông giải thích khi quyết định mua, ông nghĩ: “Các quỹ nước ngoài nắm nhiều thế, các tổ chức trong nước cũng sở hữu không ít, không lẽ họ không “giải cứu” JVC? Họ để doanh nghiệp “chết” sao?”. Sự hiện diện của nước ngoài, nắm giữ 49% cổ phần, mức cao nhất được phép, của JVC đã từng được xem như một chỉ dẫn, đảm bảo công ty đàng hoàng, làm ăn hiệu quả. Song “thiên nga đen” dù hiếm hoi cỡ nào cũng vẫn có thể có. Và nó đã đúng với trường hợp JVC. Đây là bài học đắt giá đầu tiên. Nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại không phải không có sai lầm. Với JVC “nước ngoài cũng khóc”!
Nhìn giao dịch JVC những ngày này một nhà đầu tư khác tự đúc kết kinh nghiệm: tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cẩn thận với tin đồn không bao giờ thừa, nhất là tin đồn mang tính tiêu cực. Ông nói: “Hãy tránh xa những cổ phiếu thông tin mập mờ, không minh bạch”. JVC là thí dụ rõ ràng về sự không minh bạch thông tin ngay từ đầu. Chính vì thế sau này các tổ chức nước ngoài ra thông báo công khai cam kết đồng hành cùng với công ty trong giờ phút khó khăn, cổ đông và nhà đầu tư đã không hồi đáp. Niềm tin đã cạn và họ vẫn đặt lệnh bán.
Bài học thứ ba: tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi giải ngân và cân nhắc những doanh nghiệp tăng vốn mạnh, trong khi lãnh đạo chủ chốt rút dần vốn ra. Năm ngoái JVC đã tăng vốn gần gấp đôi khi phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Khi niêm yết ông Hướng sở hữu 55% cổ phần công ty, đến ngày bị bắt tỷ lệ nắm giữ của ông tụt xuống chưa đầy 12%. Lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các thành viên hội đồng quản trị, giảm tỷ lệ nắm giữ, thì khó mà nói họ vẫn còn nguyên vẹn niềm tin vào tiềm năng công ty cũng như gắn bó lâu dài với nó.