Tối qua, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được đàm phán thành công. Đây được coi là hiệp định thương mại thế kỷ, tạo nền tảng cho các nguyên tắc thương mại thế kỷ XXI, thiết lập những tiêu chuẩn về thương mại, sở hữu trí tuệ, đầu tư... trên toàn thế giới.

Nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng...

Nói về thách thức của TTCK khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán chỉ ra 2 thách thức lớn.

Thứ nhất, ông Lân cho rằng TPP dù quy mô lớn hơn WTO, nhưng có lẽ không tác động rộng lên TTCK VN như tác động toàn diện của WTO hồi cuối năm 2006 đầu năm 2007.

Hơn nữa, với TPP, cụ thể là với những điều kiện phi thuế quan, có lẽ không phải mọi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều có lợi, cũng như các doanh nghiệp nội địa nước ta sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn. Nhà đầu tư sẽ phải tìm ra cổ phiếu của những công ty có năng lực xuất khẩu cao, hoặc có khả năng cạnh tranh lớn, chứ không phải cứ mua là thắng như hồi 2007. 

Thứ hai, khối ngoại chính là 1 yếu tố quan trọng giúp VNindex tăng mạnh ngay khi Việt Nam gia nhập WTO. Gần đây, khối ngoại lại đang bán ròng trên TTCK Việt Nam, cho dù thông tin về TPP luôn được nhắc đến thường xuyên. 

Do đó, theo quan điểm của ông Lân, động thái trong thời gian tới của khối ngoại cũng sẽ là yếu tố quan trọng. Nếu họ tiếp tục bán ròng, có lẽ hiệu ứng do TPP mang lại lên TTCK cũng sẽ thấp hơn hẳn so với WTO.

Được biết, tuần vừa qua, Khối ngoại tiếp tục bán ròng 8,4 triệu cổ phiếu, giá trị 266 tỷ đồng. Thời gian gần đây, khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị ở mức cao. Xu hướng này đi ngược lại những tháng quý II và nửa đầu quý III.

Hướng đầu tư đón sóng TPP là gì?

Trao đổi với các chuyên gia, phần lớn ý kiến cho rằng các ngành ảnh hưởng tích cực từ TPP như dệt may, đồ gỗ, ô tô, thủy sản, các ngành xuất khẩu khác. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSI) nói, những ngành nghề như xuất khẩu thủy sản, dệt may, nông sản...sẽ được hưởng lợi nhất khi sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên 12 thị trường lớn với thuế xuất rất thấp hoặc bị dỡ bỏ hoàn toàn. Điều này hứa hẹn cho những sự tăng trưởng của những ngành này lên đến 2 con số trong trong tương lai gần.

Đối với ngành dệt may, ông Hoàng Thạch Lân lưu ý cần chờ thêm quy định chi tiết liên quan đến yếu tố "từ sợi trở đi", vì đây là điểm yếu của đa số doanh nghiệp VN. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng cần xem xét thêm do có khả năng dù vào TPP nhưng Việt Nam vẫn có thể bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. 

Bên cạnh đó, ông Lân cũng quan tâm đến nhóm cơ sở hạ tầng, gồm hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất ở gần các cảng biển lớn hoặc các khu tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn của VN. 

Trả lời câu hỏi hướng đầu tư trước khi TPP chính thức có hiệu lực, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng cần xác định các ngành nghề được hỗ trợ từ TPP, các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, nhà đầu tư cần theo dõi dòng tiền từ các tổ chức tài chính như Quỹ Đầu tư, Nhà đầu tư lớn để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội này từ TPP.

Ông Lê Đức Khánh bày tỏ tin tưởng rằng đa số các nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn tâm lý, thậm chí đã thực hiện giải ngân chiến lược vào một số mã tiềm năng. Những cổ phiếu liên quan đến các ngành được hưởng lợi sẽ có những bước tăng trưởng trong tương lai về doanh thu, lợi nhuận. 

"Cơ hội hiện nay là rất lớn đối với các nhà đầu tư, chọn ra hoặc tiếp tục tích lũy những cổ phiếu tăng trưởng thuộc các nhóm ngành dệt may, nông sản..., cổ phiếu tốt để nắm giữ với tầm nhìn dài hạn", ông Khánh nói.

Ông Hoàng Thạch Lân thì cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tranh thủ lướt sóng thì tìm các mã cổ phiếu nằm trong các nhóm ngành xuất khẩu. Nếu muốn đầu tư lâu dài để hưởng mọi lợi ích TPP mang lại, nhà đầu tư nên chờ thêm 1 thời gian ngắn để xác định rõ doanh nghiệp nào đủ năng lực và đạt điều kiện do các nước khác trong TPP đưa ra.

Khổng Chiêm