Ngày 5/10, sau hơn 5 ngày làm việc thâu đêm, Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tuyên bố kết thúc thành công quá trình đàm phán để đi đến một thoả thuận mang tính lịch sử.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhận định đây là hiệp định của thế kỷ 21, với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, đầy tham vọng, toàn diện và cân bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo mới và duy trì công ăn việc làm, tăng cường đổi mới và nâng cao năng suất cũng như năng lực cạnh tranh. Hiệp định cũng được cho là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, thúc đẩy minh bạch và và tăng cường bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường.
"TPP là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mở cửa thương mại và hội nhập trong toàn khu vực", thông cáo của USTR viết.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức ca ngợi TPP "tạo ra sân chơi" cho nông dân, các chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ cũng như giúp nước này đạt được nhiều mục tiêu khác.
"Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc viết ra luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải viết ra những luật lệ đó, mở cửa những thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ trong khi thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ người lao động và bảo tồn môi trường của chúng ta. Đó là những gì mà thỏa thuận đạt được hôm nay ở Atlanta sẽ làm", thông cáo của ông Obama có đoạn.
Những người ủng hộ TPP ở Mỹ bày tỏ sự lạc quan rằng hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp nước này dễ dàng bán sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu tăng trưởng sẽ tạo ra nhiều việc làm có thu nhập tốt ở trong nước.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng ca ngợi hiệp định lịch sử sẽ thiết lập một tiêu chuẩn vàng mới cho các thỏa thuận thương mại toàn cầu trong tương lai. TPP sẽ bảo vệ việc làm cho người Canada và tạo ra thêm nhiều công việc cho thế hệ sau này nhờ việc đảm bảo tiếp cận đến các thị trường quan trọng ở nước ngoài.
"Thỏa thuận này, không nghi ngờ gì, là lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế Canada", ông nói.
Ông Harper cũng cho biết nội các liên bang đã thông qua một kế hoạch chi 4,3 tỷ USD trong 15 năm tới để bảo vệ nông dân Canada khỏi những tác động của TPP.
"Chúng tôi thất vọng vì không có thỏa thuận về việc xóa bỏ hoàn toàn thuế sữa nhưng nhìn chung đây là một thỏa thuận rất tốt cho New Zealand", Thủ tướng John Key nói trong một thông cáo.
Các nhà xuất khẩu sữa của New Zealand sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường đối tác mới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico và Peru. Trong khi đó, tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác từ New Zealand đến các nước trong TPP sẽ được xóa bỏ thuế.
Hàn Quốc cũng hoan nghênh việc đàm phán thỏa thuận TPP hoàn tất và tái khẳng định sẽ tích cực cân nhắc việc tham gia hiệp định thương mại tự do này sau khi phân tích kỹ lưỡng tác động của nó đối với nền kinh tế quốc gia.
Trong một thông cáo mới phát đi, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực. IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện. "Tôi khuyến khích các quốc gia khác tái nỗ lực để hoàn thành các cuộc đàm phán đang diễn ra và cộng đồng quốc tế nói chung tái tham gia vào các sáng kiến thương mại đa phương nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại toàn cầu gắn kết", bà nói.
TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Hiệp định vẫn cần được quốc hội 12 nước thông qua.
Trước đó, quốc hội Mỹ đã phê duyệt một điều luật gọi là Quyền Thúc đẩy Thương mại, cho phép họ chấp thuận hoặc bác bỏ thỏa thuận này nhưng không có quyền sửa đổi nó.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders nhanh chóng lên án TPP ngay sau khi việc hoàn tất quá trình đàm phán thỏa thuận được công bố. Ông cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ "gây tổn hại cho người tiêu dùng và việc làm của Mỹ".
"Phố Wall và các tập đoàn lớn khác lại chiến thắng", ông nói. "Đã đến lúc những người còn lại trong chúng ta phải ngừng làm ngơ việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng hệ thống này để thu lợi nhuận từ tiền của chúng ta".
Thậm chí các nghị sĩ Cộng hòa, những người từng ủng hộ TPP, cũng hoài nghi trước kết quả đàm phàn. "Tôi lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ nhanh chóng sụp đổ một cách thảm hại", thượng nghị sĩ Orrin Hatch, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói.
Theo Anh Ngọc
VnExpress