Sau 5 ngày đàm phán gay go, cuối cùng, vào lúc 8g20 tối ngày 5-10 (giờ Việt Nam), đại diện của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp báo và tuyên bố đàm phán TPP kết thúc thành công tốt đẹp. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận tin này như thế nào?

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) tại TP.HCM, nói với TBKTSG Online: “Chúng tôi rất hài lòng và phấn khích khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cũng như vượt qua thách thức mà TPP đem lại”.

Ông Herb Cochran cho biết từ đầu năm 2013 AmCham đã bắt đầu có những hoạt động để cộng đồng kinh doanh Việt Nam hiểu và ủng hộ TPP. Với sự hợp tác từ chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), AmCham đã tổ chức nhiều hội thảo và các sự kiện báo chí để giải thích về TPP.

Điều quan trọng là Việt Nam sẽ là nước có nhiều lợi ích nhất từ TPP. Theo các mô hình kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không có TPP, và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5%. Đây là một yếu tố tích cực cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam.

Theo ông Herb Cochran, hiện AmCham đang làm việc cùng các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cụ thể để giúp các công ty Việt Nam tận dụng lợi ích từ TPP, cũng như nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các mô hình kinh tế cho thấy Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP dựa trên kỳ vọng là các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, và Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.

“Chúng tôi cần hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam ở cấp quốc gia cũng như địa phương để đảm bảo điều này xảy ra. Nếu không, Việt Nam sẽ không có nhiều lợi ích như mong đợi từ TPP,” ông Herb Cochran cho biết.

Theo ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, việc TPP được ký sớm trong cuộc họp tại Atlanta (Mỹ) là điều tốt hơn cho những công ty như Sợi Thế Kỷ.

Tuy nhiên, ông Hoà cho biết thêm, đối với ông, TPP dù có đến sớm hay muộn thì trước sau gì cũng đến, đến sớm thì càng tốt, còn đến trễ cũng không sao cả, vì hiện đã có sẵn xu thế dịch chuyển đơn hàng qua Việt Nam để đón đầu TPP cũng như dịch chuyển sản xuất của một số ngành ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

“TPP đến trễ thì công ty vẫn phát triển nhưng tốc độ không bằng lúc có TPP. Thậm chí, dù có vào TPP hay không, khách hàng của chúng tôi vẫn mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì Trung Quốc không còn thuận lợi để đầu tư cho ngành này (sản xuất sợi - PV) về lao động, môi trường,...” ông Hoà nói.

Theo ông Hoà, ngoài Việt Nam, trong 11 nước thành viên còn lại của TPP, chỉ có Malaysia và Mỹ có sản xuất sợi, nhưng công nghệ sản xuất sợi của Malaysia không cao, nên không đảm bảo thị trường, và khả năng cạnh tranh cũng không cao. Còn việc nhập khẩu sợi từ Mỹ sẽ làm tăng chi phí do khoảng cách xa về địa lý. Trong khi đó, giá thành sản xuất sợi tại Việt Nam khá cạnh tranh, vì phần lớn máy móc đầu tư của doanh nghiệp sợi tại Việt Nam đã khấu hao xong, nên chi phí cố định cũng thấp hơn.

Theo ông Phạm Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, dù thoả thuận TPP được ký tại Atlanta (Mỹ) vào đầu tháng 10-2015 giữa các trưởng đoàn đàm phán, thì sau đó các nước thành viên vẫn phải đệ trình văn kiện hiệp định lên quốc hội các nước phê chuẩn. Nếu thuận lợi, có khả năng cũng phải hết năm 2016-đầu năm 2017, các nước mới chính thức ký kết hiệp định TPP. Và theo đó, có thể đến năm 2018, hiệp định này mới được thực hiện. Từ nay đến lúc đó, các công ty trong những ngành như sản xuất sợi, vải vẫn có đủ thời gian để đầu tư và tận dụng lợi ích từ TPP.

Theo T.Thu
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG