Đây là thông tin được Chủ tịch HOSE ông Trần Đắc Sinh chia sẻ trong Lễ kỷ niệm 15 năm của HOSE tại TPHCM ngày 25-7.

Ông Sinh cho biết, kể từ khi tham gia niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam các doanh nghiệp đã huy động được lượng vốn đáng kể để mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính.

Có những doanh nghiệp đã huy động và tăng được vốn với tỷ lệ cao như Công ty cổ phần Vincom tăng vốn điều lệ thêm 1.781% tính từ khi đưa cổ phiếu lên sàn đến nay; Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) tăng vốn 1.690%, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng vốn điều lệ thêm 529%, Công ty FPT đã tăng vốn 465%, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã tăng vốn 342%... Ngân hàng TMCP Sài gòn (STB) cũng đã tăng 554% vốn điều lệ kể từ khi niêm yết năm 2006. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tăng 230% vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tăng vốn điều lệ 120%.

Các công ty niêm yết trên HOSE là các công ty lớn hàng đầu Việt Nam với giá trị vốn hóa trung bình hiện nay mỗi công ty đạt hơn 3.600 tỉ đồng, có hoạt động tăng trưởng ổn định.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm và trao Huân chương Lao động hạng nhất cho HOSE, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực của cơ quan vận hành thị trường chứng khoán song ông cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, đa dạng hóa sản phẩm, làm tốt hơn vai trò kênh nhận vốn trung và dài hạn của thị trường chứng khoán; đồng thời thúc đẩy nhanh và mạnh hơn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

“Nghị định 60 mới được ban hành đã mở cơ hội mới cho thị trường chứng khoán. Tổng vốn của các doanh nghiệp nhà nước hiện khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, nếu các công ty này được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán thì cực kỳ tốt. Mục đích lâu dài của thị trường chứng khoán là góp phần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và thu vốn về nhiều hơn cho các doanh nghiệp. Tôi đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thúc đẩy làm tốt những nhiệm vụ trên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng nói tiếp: “Bên cạnh đó, tôi đề nghị các cơ quan quản lý thị trường tiếp tục điều hành theo hướng tạo công khai minh bạch, an toàn cho thị trường chứng khoán, không để bong bóng khủng hoảng đổ vỡ xảy ra, thực hiện tốt thanh tra kiểm tra quản lý và ngăn chặn tiêu cực để thị trường chứng khoán Việt Nam không rơi vào khó khăn đổ vỡ”.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng thời gian qua công tác tái cấu trúc nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực, Nghị định 60 cũng có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán; nhưng nhiệm vụ thời gian tới còn hết sức nặng nề và Bộ Tài chính sẽ đặc biệt chú trọng những nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

Theo Tổng giám đốc HOSE bà Phan Thị Tường Tâm, sau 15 năm ra đời và hoạt động, tại HOSE hiện có 303 cổ phiếu niêm yết với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1,1 triệu tỉ đồng, cùng với 87 công ty chứng khoán thành viên với 1,5 triệu tài khoản của nhà đầu tư.

Tổng giá trị chứng khoán được mua bán và trao đổi sau 15 năm hoạt động đạt hơn 2,7 triệu tỉ đồng (112 tỉ chứng khoán). Vốn hóa thị trường trên HOSE chiếm 88% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, giao dịch bình quân ngày trong năm 2014 đạt hơn 2.100 tỉ đồng, chiếm 70% giá trị giao dịch trên hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM.

Nguồn: TBKTSG