Các bluechip ngành y tế luôn là những cổ phiếu được các quỹ đầu tư “săn lùng” và hầu hết các cổ phiếu lớn trong ngành y tế đều đang được nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 49%. Bên cạnh các doanh nghiệp dược như Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco… thì CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) là doanh nghiệp lớn hiếm hoi hoạt động trong phân khúc kinh doanh thiết bị y tế.

Lên sàn năm 2011 với vốn điều lệ khi đó là 242 tỷ đồng, trong 3 năm vừa qua, JVC đã thực hiện nhiều đợt tăng vốn qua đó tăng vốn lệ lên 1.125 tỷ đồng.

Trong lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào cuối năm 2014, JVC đã huy động thành công 750 tỷ đồng từ chào bán cho cổ đông hiện hữu. Mặc dù có tới 28 triệu cổ phiếu bị cổ đông từ chối mua nhưng JVC đã nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mua toàn bộ số cổ phiếu bị ế này.


Việc huy động thành công khối lượng vốn lớn như vậy phần nào cho thấy sức hấp dẫn của JVC, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Sau khi hoàn tất đợt tăng vốn, cổ phiếu JVC đã tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm, từ 16.000 lên 25.000 đồng. Sau đó, cổ phiếu này dao động quang vùng 20.000-22.000 đồng cho đến đầu tháng 6.

Đột nhiên, cổ phiếu JVC bị chất lệnh bán sàn lên đến hàng chục triệu cổ phiếu vào 3 phiên giao dịch cuối tuần trước mà không có một thông tin chính thức nào được công bố.

Đến ngày 15/6, một công văn đính chính tin đồn đã được lãnh đạo JVC gửi lên sở giao dịch chứng khoán đã khiến cổ phiếu này hãm lại đà giảm với lượng khớp lệnh lên tới hơn 12 triệu đơn vị - tương đương ¼ lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, bước sang 2 phiên giao dịch ngày 16 và 17/6, JVC lại tiếp tục giảm sàn, rơi xuống 14.900 đồng/cp. Như vậy chỉ sau 6 phiên giao dịch, cổ phiếu JVC đã mất đi xấp xỉ 30% giá trị, tương ứng vốn hóa giảm 700 tỷ mà chưa có một nguyên nhân cụ thể nào được xác định.

Hơn ai hết, các cổ đông lớn của JVC là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chuỗi giảm giá này.

Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của JVC, ông Lê Văn Hướng hiện chỉ còn sở hữu 11,9% so với mức 55% khi niêm yết.

Cổ đông lớn nhất của JVC hiện là quỹ DI Asia Industrial Fund (DIAIF), sở hữu 21,7 triệu cổ phiếu, tương đương 19,4% cổ phần. DIAIF là quỹ đầu tư do 2 doanh nghiệp Nhật Bản là Dream Incubator và Orix Corporation thành lập, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hiện Dream Incubator và Orix cũng đang sở hữu 5,8% và 2,8% cổ phần của JVC. Tổng cộng nhóm nhà đầu tư Nhật Bản này đang sở hữu 28% cổ phần JVC và đã mất đi gần 10 triệu USD trong chuỗi giảm giá vừa qua.
Tại Việt Nam, quỹ DIAIF hiện còn đầu tư vào Mesa Group và Santedo. Giống như JVC, Santedo cũng là một doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực y tế với các công ty thành viên gồm có Dược phẩm Pha No (Pharno Pharmacy) và Dược phẩm Duy Tân.

Hai cổ đông lớn khác là quỹ Vietnam Equity Holding do Saigon AM quản lý (5,1%) và nhóm Dragon Capital (9,95%). JVC hiện là 1 trong 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của quỹ Vietnam Growth Fund (DCVGF) do Dragon Capital quản lý. Quỹ này đã liên tục mua vào JVC trong quý 4/2014 và đầu năm nay.

Đối với Vietnam Equity Holding (SAMVEH), JVC là khoản đầu tư lớn thứ 4 của quỹ này, chiếm gần 10% giá trị tài sản ròng.

Trong danh sách cổ đông lớn của JVC từng có những cái tên như Vietnam Holding, Indochina Development Partners, Bản Việt tuy nhưng hiện không có thông tin chính thức nào về tỷ lệ sở hữu của những nhà đầu tư này.

Theo đánh giá của một công ty chứng khoán lớn, JVC sẽ cần nỗ lực hơn nữa để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư sau khi đã chậm trễ phản ứng với các thông tin bất lợi. Minh chứng là văn bản đính chính tin đồn chỉ có thể giúp cổ phiếu JVC ngừng giảm sàn được trong 1 phiên giao dịch.

Nguồn: Trí thức trẻ