Trong năm 2015 hàng loạt doanh nghiệp ráo riết tiến hành IPO cũng như thoái vốn ngoài ngành để kịp hoàn thành tiến độ vào cuối năm nay. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vốn nhỏ “hàng” được gom sạch sẽ, trong khi những đơn vị vốn ngàn tỷ lại không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Theo thống kê trên Sở GDCK Hà Nội, từ đầu năm đến nay số lượng chào bán tới hơn 566 triệu cp nhưng chỉ phân phối được gần 184 triệu cp, tức ế tới 67%. Còn tại Sở GDCK TPHCM, đã có 11/29 trường hợp phải hủy đấu giá do không có đơn đăng ký nào tham gia hoặc lượng đăng ký chỉ một vài nhà đầu tư.

5 DN có vốn trên ngàn tỷ IPO bất thành

Họ Vinacomin thất thủ

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV - Vinacomin) là đơn vị tung ra rất nhiều “hàng” trong thời gian qua từ vốn lớn đến nhỏ, nhưng đa phần đều không thể bán hết số cổ phần đúng như mục tiêu. Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin có lẽ là trường hợp đáng buồn nhất khi IPO hơn 46 triệu cp giá khởi điểm 10,500 đồng/cp nhưng tỷ lệ mua chỉ đạt 2.8%. Không dừng lại ở đó, sau 1 tháng IPO (tháng 5/2015), công ty kiên trì đấu giá lần hai số cổ phần còn dư nhưng cũng chỉ chưa tới 1% được gom.

Theo kế hoạch, nếu IPO thành công, Khoáng sản – Vinacomin với vốn điều lệ 2,000 tỷ đồng thì cổ đông Nhà nước nắm 75%, cổ đông khác 23.34%, còn lại 1.66% là người lao động. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại khi tỷ lệ hai lần đấu giá chưa tới mức 3% tổng số chào bán.

Vì đâu lại đến nông nổi như vậy khi mà giá trị thực tế của Khoáng sản – Vinacomin là trên 3,761 tỷ đồng. Khoáng sản – Vinacomin có 14 công ty con, 4 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 3 đơn vị khác. Tổng công ty đang trực tiếp và gián tiếp quản lý 30 mỏ tài nguyên về đồng, chì kẽm, thiếc, sắt, vàng… Bên cạnh hoạt động khai khoáng, Khoáng sản – Vinacomin cũng quản lý, sử dụng và xin cấp mới 43 lô đất tại nhiều địa phương như Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Nam Định với tổng diện tích 10 triệu m2.

Trong cơ cấu doanh thu giai đoạn 2011-2014, hoạt động sản phẩm đồng tấm chiếm tỷ lệ bình quân 45%, kinh doanh thương mại khoáng sản 30% và vàng chiếm 11%... Đối với sản phẩm vàng, trong năm 2011 và 2012 mang lại lợi nhuận đáng kể cho Khoáng sản – Vinacomin, nhưng từ năm 2013 do giá vàng giảm nên hoạt động này không còn mang lại hiệu quả.

Một số chỉ tiêu tài chính hợp nhất chủ yếu 3 năm trước cổ phần hóa của Khoáng sản - Vinacomin

Theo Tổng công ty, lợi nhuận sau thuế của cả hệ thống giảm mạnh sau năm 2011 từ 289 tỷ đồng xuống còn 77 tỷ đồng năm 2012 do tình hình thị trường khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm ảnh hưởng tới doanh thu thuần. Năm 2013 và 2014 đã có chiều hướng phục hồi nhờ doanh thu tăng trở lại.

Môt thành viên nữa cũng thuộc TKV và IPO gần như cùng thời điểm trong tháng 5/2015, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin đấu giá 22.6 triệu cp với mức khởi điểm 10,300 đồng/cp nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 359,300 cp, tức gần 1.6%.

Công nghiệp mỏ Việt Bắc – Vinacomin có 9 công ty con và 3 công ty liên kết, hiện được giao quản lý và khai thác các sản phẩm than cám, than nâu từ 3 mỏ than lộ thiên là mỏ Núi Hồng (Thái Nguyên), mỏ Khánh Hòa (Thái Nguyên) và mỏ Na Dương (Lạng Sơn). 3 mỏ than này chiếm khoảng 2/3 tổng trữ lượng của thềm than nội địa với công suất trung bình từ 400,000 – 800,000 tấn/năm.

Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty khá bết bát trong năm 2012 và 2013 khi lỗ lần lượt 730 triệu và gần 4 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2014 bắt đầu có lãi trở lại với mức đột biến 42 tỷ đồng, chủ yếu do hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn, thu hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do được khấu trừ từ khoản lỗ thuế.

Một số chỉ tiêu tài chính hợp nhất của CN mỏ Việt Bắc - Vinacomin

Theo kế hoạch trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, lợi nhuận sau thuế sẽ lần lượt đạt 24 tỷ đồng, 51 tỷ đồng và 104 tỷ đồng; tỷ lệ trả cổ tức là 2%, 4% và 8%.

Thêm một doanh nghiệp họ Vinacomin cũng thất bại trong đấu giá lần đầu ra công chúng là Tổng Công ty Điện lực – Vinacomin với số lượng khá đồ sộ hơn 236 triệu cp, giá khởi điểm cũng 10,000 đồng/cp. Kết quả đấu giá của đơn vị này nhận được khá nặng nề khi chỉ có hơn 1.2 triệu cp được mua.

Soi kỹ hoạt động của Điện lực Vinacomin cho thấy kết quả cũng nhiều biến động khi năm 2011 lỗ tới 916 tỷ đồng do khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại công nợ có nguồn gốc ngoại tệ cuối năm hơn 1,037 tỷ đồng. Tuy nhiên từ năm 2012 đến 2014 biến động tỷ giá không lớn cùng với các nhà máy dần hoạt động ổn định nên đã phần nào có sự tăng trưởng lợi nhuận từ 64 tỷ đồng lên 277 tỷ đồng.

Hút hàng hơn nhờ quỹ đất?

Chốt hàng những ngày cuối năm 2014, Tổng Công ty Thủy sản (Seaprodex) bung ra gần 61 triệu cp với mức giá 10,100 đồng/cp và đã có 75% lượng cổ phần được mua. Một con số khả quan hơn nhiều so với các doanh nghiệp trên. Tuy nhiên Seaprodex vẫn chưa đạt mục tiêu nên đầu năm 2015, Tổng công ty vẫn tiếp tục đấu giá số cổ phần còn lại là gần 16 triệu cp nhưng cũng chỉ bán được 2.6%.

Theo thông tin từ Seaprodex, đợt IPO vừa qua có sự xuất hiện của một nhóm cổ đông hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Geleximco với tỷ lệ chiếm 35%. Bởi bên cạnh hoạt động thủy sản, Seaprodex đang quản lý và sử dụng hơn 878,000 m2 đất tại cả TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng và Vũng Tàu.

Còn trong thực tế, hoạt động kinh doanh của Seaprodex chỉ ghi nhận lãi từ 136 tỷ đổ lại, trong khi tổng tài sản và mức doanh thu mang lại đều trên con số 2,000 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính 3 năm trước cổ phần hóa của Seaprodex (tỷ đồng)

Hay như trường hợp của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC)đã tổ chức IPO hồi tháng 3 và chỉ có 3.8% trên tổng số 16.3 triệu cp đấu giá được gom. Điểm đáng chú ý là sau cổ phần hóa, Vingroup (HOSE: VIC) đã rót vào VEFAC 1,490 tỷ đồng nhằm nắm giữ gần 90% vốn tại đây.

Một trong những chiến lược kinh doanh mà VIC đưa ra trong thời điểm này là gia tăng quỹ đất từ các doanh nghiệp cổ phần hóa. Và VEFAC là một lựa chọn như vậy khi sở hữu đất lớn tại Giảng Võ (Hà Nội). Ngoài lợi thế quỹ đất này ra thì kết quả kinh doanh đơn vị này khá bèo bọt.

Kết quả kinh doanh của VEFAC trong 2012-2014 (tỷ đồng)

Trong những doanh nghiệp mà bài viết nhắc tới, dù có vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận mang lại rất thấp, chưa có doanh nghiệp nào lên nổi mức 300 tỷ đồng, thậm chí còn thua lỗ. So với hàng trăm doanh nghiệp đang niêm yết với vốn chỉ ở mức hàng trăm tỷ đồng nhưng chất lượng hoạt động đang hơn hẳn. Bởi vậy khi các tổng công ty Nhà nước hoạt động kinh doanh èo uột thì rất khó để nhà đầu tư đổ vốn vào khi có nhiều sự lựa chọn chất lượng và minh bạch hơn đang giao dịch trên sàn.

Như ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tại diễn đàn M&A Việt Nam 2015 đầu tháng 8 vừa qua, trong quá trình IPO, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị kỹ trong việc thu hút nhà đầu tư, những vấn đề liên quan đến công nợ, tồn tại tài chính vẫn là rào cản đối với nhà đầu tư.

Và câu chuyện về hiệu suất hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp vốn Nhà nước này vẫn chưa có hồi kết…

Theo Minh An
Vietstock

Nguồn: Vietstock