Ngày 26/6/2015 Chính phủ ký ban hành Nghị định 60 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Thông tin đáng chú ý nhất của Nghị định 60 đó là mở ra cơ chế về tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, theo đó nếu các DN không thuộc ngành nghề bị giới hạn điều kiện thì tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài là không hạn chế (có thể mở tới 100%).
Vấn đề ở đây là Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo, dự kiến ban hành cùng với Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Kết quả rà soát sơ bộ đến nay cho thấy trong Danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có 72 ngành, nghề pháp luật Việt Nam đã qui định về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài; 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài; 128 ngành nghề chưa qui định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; và 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài.
Một điểm nữa đó là các kết quả rà soát này chưa tính đến/sửa đổi nếu Việt Nam gia nhập TPP hay FTA do các Hiệp định này vẫn đang trong vòng đàm phán.
Theo Nghị định 60, với quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà Việt Nam có cam kết với WTO hoặc các điều ước quốc tế khác, thì thực hiện theo điều ước quốc tế. Điều này dường như cho thấy tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa chính là tỷ lệ được quy định trong các điều ước trên.
Đánh giá nội dung trên trong Nghị định 60, CTCK Bản Việt cho rằng, nếu WTO quy định 100% thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa sẽ là 100%.
Theo cách diễn giải này, các doanh nghiệp sẽ phải bãi bỏ tất cả các quy định trước đây liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong điều lệ DN của mình nếu trái với Nghị định 60 nhưng không cần bổ sung điều lệ doanh nghiệp để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Tất nhiên, điều này là là diễn giải tạm thời của VCSC và thị trường vẫn phải chờ Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chính thức.
Danh mục 46 ngành nghề đã quy định theo điều ước quốc tế
Tuy nhiên nếu đối chiếu theo danh mục 46 ngành nghề theo điều ước quốc tế đang được Bộ Kế hoạch đầu tư lấy ý kiến, một số ngành NĐT nước ngoài không được phép kinh doanh như kinh doanh xăng dầu, phân phối dầu mỏ, khí đốt, kinh doanh phân bón vô cơ, đối với kinh doanh vận tải đường thủy tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài không quá 49%.
Một số ngành như kinh doanh khai thác cảng biển, hàng không, sân bay phải được Chính phủ phê chuẩn (BIT Việt Nhật), NĐT nước ngoài không được sở hữu quá 49% liên doanh hoạt động trong lĩnh vực chế tạo máy bay;
WTO quy định cho NĐT nước ngoài đầu tư không hạn chế kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, xây dựng của NĐT nước ngoài;
Còn theo ACIA (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN) không cấp phép đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các dịch vụ liên quan tới khoan địa chất và khoan khai thác.
Danh mục 46 ngành
72 ngành nghề pháp luật Việt Nam đã quy định về điều kiện đầu tư
Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo sự quản lý của pháp luật Việt Nam và luật chuyên ngành (ví dụ: tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng vẫn là 30%).
Đối với Luật Chứng khoán, đã sửa đổi Điều 71 Nghị định 58/2012 do đó NĐT nước ngoài nếu đáp ứng được các điều kiện thì chính thức được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của CTCK/quỹ đầu tư chứng khoán kể từ 1/9/2015, được thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán 100% vốn nước ngoài.
NĐT nước ngoài không được kinh doanh lĩnh vực xổ xố, Hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, , xuất, nhập khẩu điện, Dịch vụ không lưu, kinh doanh ngành nghề này. vận tải đường ống.
Đối với ngành logistic, NĐT nước ngoài được góp vốn không hạn chế đối với ngành kinh doanh dịch vụ kho bãi, đại lý vận tải, dịch vụ vận tải biển quốc tế, vận tại đường bộ riêng ngành bố dỡ hàng hóa thì tỷ lệ vốn góp không quá 50%, ngành dịch vụ vận tải thủy, đường sắt không quá 49%, Hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện bên nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ đối với hãng hàng không.
Đối với ngành dầu khí, theo ACIA, không cấp phép cho NĐT nước ngoài các dịch vụ liên quan đến sửa chữa, đo và kiểm soát công nghiệp trong lĩnh vực dầu khí, nhà kho dầu khí, cung cấp dầu khí, xử lý khí ga, máy móc thiết bị chuyên dụng trong ngành dầu khí, Các dịch vụ liên quan tới khoan địa chất và khoan khai thác (PVD.; Đầu tư trong các hoạt động dầu khí sẽ phải được phê duyệt bởi Chính phủ Việt Nam.
Về ngành công nghệ thông tin: Với các dịch vụ không có hạ tầng mạng, phần vốn góp trong liên doanh không quá 65% vốn pháp định, với dịch vụ có hạ tầng mạng không quá 49%.
Danh mục 72 lĩnh vực
128 ngành chưa có quy định cụ thể
Trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Danh mục này hiện nay là 128 ngành, trong đó có nhiều ngành liên quan đến các bluechips niêm yết trên sàn như Đại lý bảo hiểm, kinh doanh casino, xuất khẩu gạo, kinh doanh than, khoang sản, kinh doanh dịch vụ thi công xây dựng công trình, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (PNJ),
Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất theo quy định.
Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
Danh mục 128 ngành
Bắt đầu từ ngày mai (1/7/2015), Luật doanh nghiệp sửa đổi và Luật đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên với danh mục còn rất nhiều ngành chưa có hướng dẫn cụ thể thì để biết được chính xác các DN nào được phép nới room và nới đến đâu thì vẫn còn phải chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá, Nghị định 60 của Chính phủ đang tạo một cú hích với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngày mai, Bộ Tài chính cùng UBCK tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, nhằm tăng cường thu hút vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam.