Các nhà đầu tư nước ngoài có thể được nắm tới 100% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là một trong những điểm mới đáng chú ý được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Vậy vấn đề này được cụ thể hóa như thế nào trong Nghị định, việc ban hành các thông tư hướng dẫn đang được chuẩn bị đến đâu khi Nghị định sắp có hiệu lực từ 1/9 tới đây, việc đánh giá những tác động đa chiều, lợi ích tích cực cũng như nhận diện rủi ro từ việc tăng dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán sẽ được nhìn nhận ra sao?

Để giải đáp những vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với nội dung "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”.

Các khách mời dự chương trình:

- Tiến sĩ Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

- Ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư DragonCapital.



Ông Nguyễn Thành Long
: Một trong những nội dung chính của Nghị định 60 là mở rộng hoạt động của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Nội hàm của việc mở rộng được thực hiện theo nhóm các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK.

 

Cụ thể đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh, trong những cam kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia mà có quy định về tỷ lệ sở hữu thì thực hiện theo như cam kết, điều ước quốc tế đó, chẳng hạn như các cam kết WTO, Nhật Bản, FTA.

Thứ 2, với DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì chúng ta cũng có những hạn chế theo quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Vấn đề này cũng giống như các điều ước quốc tế, chúng ta có những quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ 3, với DN không thuộc cả 2 nhóm nêu trên thì nhà đầu tư nước ngoài có thể được sở hữu đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp niêm yết trong trường hợp điều lệ công ty cho phép, tức là trong trường hợp mà doanh nghiệp đó cho phép.

Nhà đầu tư nước ngoài đã chời đợi việc nới room từ rất lâu, vì sao bây giờ mới thực hiện thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Long: Sự mong mỏi của khối ngoại là chính đáng vì cứ mỗi lần chúng ta có sự mở rộng sự hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, thông thường thị trường chứng khoán sẽ có sự thay đổi về tính thanh khoản rất rõ rệt và cũng giúp cho doanh nghiệp thu hút nguồn vốn dồi dào, phục vụ kinh tế.

Quá trình mở rộng phạm vi hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài và đến cuối cùng có Nghị định 60 được thực hiện theo lộ trình hợp lý trên cả phương diện quốc tế. Các quốc gia mở cửa thị trường chứng khoán đều thực hiện theo lộ trình như vậy.

Đối với mở cửa thị trường chứng khoán, các quốc gia đều sử dụng 2 van. Một là hạn chế tỷ lệ sở hữu và hai là kiểm soát vốn trên tài khoản giao dịch vốn và ở Việt Nam cũng đã thực hiện như thế.

Ví dụ về việc mở cửa từng bước, nâng cao phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, năm 1999 chúng ta có quyết định đầu tiên, giới hạn tỷ lệ sở hữu 20%, đến năm 2003 nâng lên 30%, 2005 lên 49%, trừ một số nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đến năm 2015 chúng ta mở đến 100% nếu điều lệ công ty cho phép.

Như vậy, lộ trình chúng ta mở cửa là hợp lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập của nền kinh tế, là lộ trình tất yếu, khi các quốc gia mở cửa thị trường chứng khoán đều thực hiện. Việc mở cửa thị trường phù hợp với sự lành mạnh dần của hệ thống tài chính, ngăng ngừa rủi ro có thể phát sinh. Quá trình này đã thực hiện một cách căn cơ, phù hợp, kể cả trong bối cảnh hiện tại khi chúng ta đồng thời có Luật Đầu tư mới và Luật Doanh ngheiẹp mới, thể hiện sự cải cách thể chế rõ rệt.

Ông Võ Trí Thành: Không phải chỉ Nghị định 60 mà rất nhiều các văn bản pháp lý và cách thức cải cách của Việt Nam đều gắn với 3 câu chuyện

Thứ nhất, môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài

Thứ hai, quá trình cải cách ở Việt Nam gắn với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam.

Thứ ba, cải cách làm cho tương thích về môi trường kinh doanh với các thành phần, các lực lượng trong thị trường, đằng sau đó chính là chuyện Việt Nam đẩy mạnh hơn cải cách theo thị trường hiện đại và đầy đủ.

Theo tôi, thời điểm ra đời hiện nay là hợp lý bởi 2 lý do. Thứ nhất, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bước ngoặt trong cải cách và phát triển của mình, thay đổi cách thức phát triển, vai trò của thế giới, vai trò của hội nhập, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài, vai trò của các lực lượng thị trường rất quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Thứ hai, bước chuyển mình của cải cách Việt Nam gắn với nhận thức với vai trò của các nhân tố, lực lượng bên ngoài, thị trường bên ngoài phù hợp với sự đẩy mạnh của Việt Nam.

Tuy nhiên, mở cửa thị trường tài chính bên cạnh những tác động tích cực có những rủi ro, như sự đảo chiều dòng vốn nên cách làm của Việt Nam tiến theo bước ấy nhưng nằm trong hệ thống tài chính Việt Nam, khả năng giám sát tài chính của Việt Nam đạt được ở mức độ nhất định.

Trong 2-3 năm qua, chúng ta đã cải tổ được hệ thống tài chính ngân hàng tiến lên những bước đáng kể, cho dù còn nhiều vấn đề nhưng đã lành mạnh hơn. Chính vì vậy, bên cạnh tinh thần về cải cách, tinh thần về hội nhập, đây là thời điểm để chúng ta thực hiện Nghị định 60. Đằng sau đó là thông điệp rằng, quá trình cải cách của Việt Nam dù còn khó khăn nhưng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Nghị định 60 là bản chào hàng rất đẹp khi đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ như một lực lượng các nhà đầu tư rất tiêu biểu, đón nhận nghị định này với tinh thần hồ hởi. Sự hồ hởi không phải chỉ là họ trực tiếp tham gia thị trường, mà họ thấy rõ thông điệp về cải cách, thông điệp về hội nhập theo định hướng, tinh thần thị trường, lành mạnh, minh bạch, hài hoà cho người chơi trên thị trường.

Tiềm năng TTCK Việt Nam là rất lớn

Ông Lê Anh Tuấn: Về vấn đề tiềm năng, tôi đánh giá trên 2 khía cạnh:

Xét về khía cạnh định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, xét về góc cạnh thị giá/lợi nhuận, PE của TTCK Việt Nam đang ở mức 13 lần. Tổ chức của chúng tôi đánh giá năm 2016 lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng 20%, có nghĩa là mức tăng trưởng cũng như mức định giá của Việt Nam đang chiết khấu so với khu vực khoảng 25-30%, rất thấp.

Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn các nước trong khu vực. Do đó về khía cạnh định giá là hấp dẫn.

Thứ hai, xét về Quy mô, vai trò trong của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế: Trong 15 năm kể từ khi thành lập, TTCK Việt Nam từ 3 công ty đến nay đã có gần 680 công ty niêm yết, vốn hoá từ rất thấp tới 60 tỷ USD hiện tại, chúng ta không thể phủ nhận thành tựu của thị trường chứng khoán.

Xét về mức độ tiềm năng, cá nhân tôi đánh giá tiềm năng thị trường là rất lớn. Vốn hóa/GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 30% trong khi Thái Lan 110%, Indonesia khoảng hơn 50%, Singapore 130%, Philippines gần 70%. Việc nới room làm định giá Việt Nam tiệm cận hơn so với khu vực.

Tuy nhiên, xét về góc độ tổng thể vai trò thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, chúng ta thường nhìn thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho DN, nhưng chúng ta thường không nhắc tới một góc cạnh rất quan trọng hơn, là kênh tiết kiệm, đầu tư của dân chúng. Hiện tại người dân Việt Nam có thể gửi tiết kiệm, hoặc mua vàng, USD hay bất động sản. 2 kênh đầu tư vàng và USD chúng ta không khuyến khích, kênh đầu tư bất động sản ai cũng làm được có nghĩa là điều người dân Việt Nam có thể đầu tư trung và dài hạn chỉ có tiết kiệm mà thôi.

Vai trò của thị trường chứng khoán chưa làm được kênh đầu tư tiết kiệm đó. Nhìn 500 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất cho Việt Nam, số doanh nghiệp niêm yết rất thấp. Điều đó có nghĩa tiềm năng của thị trường chứng khoán đối với Việt Nam còn rất nhiều.

Nghị định 60 giúp gia tăng hàng hoá chất lượng cao lên sàn

PV: Với Nghị định 60, cổ phần hóa gắn với niêm yết sau 3 - 12 tháng, điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường?

Ông Nguyễn Thành Long: Nghị định 60 xử lý cả bài toán cung và cầu cho thị trường chứng khoán. Thứ nhất, khi triển khai Quyết định 51, ngoài việc thúc đẩy cổ phần hoá DNNN, một điểm quan trọng là minh bạch quá trình CPH, đồng thời minh bạch hoạt động doanh nghiệp sau CPH. Việc minh bạch đó làm gia tăng sức cạnh tranh, gia tăng hiệu quả, hiệu suất hoạt động từng doanh nghiệp, từ đó tạo hiệu ứng lan toả gia tăng hiệu quả, hiệu suất của cả nền kinh tế.

Hiệu ứng này ngoài việc đẩy về lượng còn tăng thêm về chất, thông qua việc đẩy mạnh, gắn cổ phần hoá với niêm yết.

Về mặt kỹ thuật nghiệp vụ, việc quy định sau khi IPO phải niêm yết trên thị trường chứng khoán ngay là một nghiệp vụ của thị trường chứng khoán để thúc đẩy, minh bạch, nâng cao cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Với Quyết định 51, cộng thêm nội dung tại Quyết định 51 được thể chế hoá tại Nghị định 60, chúng ta tiếp tục rút ngắn quá trình sau khi doanh nghiệp cổ phần hoá xong phải đưa lên Sở Giao dịch chứng khoán để niêm yết và minh bạch. Nghị định 60 giải tỏa 2 vấn đề căn bản mang tính hệ thống cả cầu và cung.

Thứ nhất, bên cung chứng khoán mở cửa đón nhận lượng chứng khoán mới phát hành bởi những doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, hoặc doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn. Bên cung này, các doanh nghiệp cổ phần hóa đều là các DN có tiềm năng, chất lượng cao. Như vậy, chúng ta gia tăng nguồn cung chứng khoán chất lượng.

Nhưng làm sao để đẩy nguồn cung ra thị trường, mà không bị hạn chế bởi bên cầu, làm giảm giá trị cổ phần hoá, thì chúng ta phải kích cầu.

Thứ hai là khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài và dòng vốn trong nước và ngoài nước nói chung, nhằm kích cầu, thêm lượng tài chính đủ để hấp thụ lượng chứng khoán chúng ta đưa ra.

Như vậy, nhìn ở góc độ chứng khoán, Quyết định 51 và Nghị định 60 giải tỏa 2 vấn đề, cầu và cung. Nghị định 60 không chỉ tác động trực tiếp đến TTCK, mà còn giúp thị trường thanh khoản, giúp doanh nghiệp khu vực tư nhân huy động vốn dễ hơn. Ngoài ra,  còn giúp doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá thu hút vốn dễ dàng với chi phí hợp lý, và lan tỏa hiệu ứng minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình, quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết hiện nay đến các doanh nghiệp Nhà nước.

Khi thúc đẩy sự phát triển của TTCK, hiệu ứng tác động của Quyết định 51 và Nghị định 60 nhân lên vai trò của TTCK với nền kinh tế, dần dần chúng ta có một hệ thống tài chính mà doanh nghiệp có thể vay vốn gián tiếp qua ngân hàng và trên TTCK.

Ngoài ra, Thị trường chứng khoán mở ra kênh phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Rõ ràng, một doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có tiềm năng giao dịch, hoặc có tiềm năng phát triển thì dễ huy động vốn hơn, dễ thu hút nguồn vốn hơn và dòng vốn cũng dễ chảy về hơn, vì đó là dòng vốn thông minh.

Thị trường chứng khoán qua hệ thống công bố thông tin minh bạch, các quy trình quy định quản trị công ty rõ ràng, tăng trách nhiệm giải trình của ban lãnh đạo, doanh nghiệp, làm rõ hơn mối quan hệ giữa cổ đông với quy trình điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp, và còn tăng sức cạnh tranh, hiệu quả hiệu suất của từng doanh nghiệp.

PV: Rào cản tiếp theo tháo gỡ thế nào để hiệu quả hơn trong quá trình đầu tư và cổ phần hóa?

Ông Lê Anh Tuấn: Cách đây 4 tuần, tôi có thực hiện một chuyến đi quảng bá doanh nghiệp Việt Nam tại Hong Kong, tôi lựa chọn 2-3 công ty chúng tôi rất thích ở Việt Nam. Khi đó, nhà đầu tư yêu cầu chúng tôi cung cấp báo cáo tài chính tiếng Anh, nhưng chúng tôi truy cập website doanh nghiệp thì chỉ chỉ có báo cáo năm 2013 tiếng Anh.

Câu hỏi đặt ra là quyền bình đẳng của NĐT nước ngoài đang chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các thông tin liên quan đến công ty rất ít bằng tiếng Anh. Các BCTC đã có những bước tiến rất lớn trong vòng 7-8 năm qua về mặt tiêu chuẩn báo cáo tài chính cũng như đã có những công ty có tiếng Anh, nhưng phần lớn các công ty chưa có tiếng Anh.

Điều này khiến NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam chưa cảm nhận được sự an toàn.

Thứ hai là phải tăng cường quản trị doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp rất cao, sự bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ chưa đúng mức, các DN có thể làm tốt hơn trong tương lai để thu hút vốn.

Thứ ba là chế độ kế toán kiểm toán. VN ban hành Nghị định 200 là rất tốt, nhưng chúng ta vẫn đang sử dụng chuẩn kế toán Việt Nam, trong khi các nước trong khu vực tiến về chuẩn kế toán quốc tế. Sự chênh lệch chế độ kế toán kiểm toán làm nhà đầu tư nước ngoài phân vân, không biết khác biệt thế nào để đầu tư.

PV: Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 60 triển khai đến đâu thưa ông? Bao giờ nới room thực sự và công bố các ngành thuộc diện hạn chế?

Ông Nguyễn Thành Long: Theo chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất các thông tư hướng dẫn.

Cụ thể, liên quan đến việc hướng dẫn chi tiết hơn về quá trình nâng tỷ lệ sở hữu của công ty đại chúng, có một Thông tư về hướng dẫn hoạt động nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ 5 tuần tới Uỷ ban Chứng khoán sẽ tổ chức hội thảo để cung cấp cho thị trường cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức phát hành biết về dự thảo trong quy định mà Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét ký.

Trong dự thảo thông tư, Uỷ ban đã tích hợp những quy định trong Luật Doanh nghiệp mới, đặc biệt là các tổ chức phát hành hoàn toàn có thể tra cứu được ngành nghề kinh doanh của mình cũng như quy định về tỷ lệ sở hữu của ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó trên Công Thông tin điện tử quốc gia về doanh nghiệp và về đầu tư vận hành bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình triển khai, Uỷ ban Chứng khoán đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hiểu và đưa ra hướng dẫn để tổ chức phát hành tìm hiểu được vấn đề này. Thị trường sẽ sớm có các văn bản này trong thời gian tới.

Minh Quân