Phiên giao dịch sáng 25/5: Bluechip khiến VN-Index “chóng mặt“

Chịu tác động từ các mã bluechip, VN-Index sáng nay liên tục đảo chiều và vẽ nên đồ thị hình răng cưa trước khi chốt phiên với mức tăng khá và thanh khoản cũng được cải thiện hơn các phiên trước.

Có thể thấy, phiên tăng điểm ngày hôm qua (24/5) dù còn chưa đủ “đô”, nhưng việc ngắt mạch 4 phiên giảm liên tiếp đã phần nào giúp thị trường cởi bỏ tâm lý nặng nề.

Bởi vậy, bước vào phiên giao dịch sáng nay 25/5, cho dù sức mua chưa thực sự hào hứng trở lại, nhưng các chỉ số đều mở cửa trong sắc xanh tương đối tốt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 2,34 điểm (+0,38%) lên 613,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,25 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 50 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu có phần cởi mở hơn đối với nhóm cổ phiếu lớn, giúp đà tăng của thị trường dần được nới rộng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, BID, STB đều đang tăng điểm, cộng với đà hồi phục tốt của nhóm dầu khí với GAS, PVD, PVT đang là động lực chính đẩy VN-Index. Bên cạnh đó, một số bluechips như VNM, REE, FPT, KDC, HSH, HPG… cũng đều có được sắc xanh nhẹ.

Được biết, giá dầu thế giới cũng đã quay đầu tăng trở lại trong phiên ngày hôm qua, sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.

Ngược lại, trong nhóm VN30, chỉ có MSN, BVH, SSI và SBT là đi ngược thị trường. Trong đó, SBT có thanh khoản tốt nhất nhóm với 1,24 triệu đơn vị được khớp, giảm 100 đồng về 30.600 đồng/CP.

Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền vẫn đang thận trọng. Vì vậy, nhóm cổ phiếu này giao dịch khá yếu. Thanh khoản tốt nhất sau khoảng 45’ giao dịch chỉ có KSH, GTN và HHS khi cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, KSH tăng trần lên 4.000 đồng/CP.

Trên HNX, nhóm dầu khí đang là động lực chính đỡ chỉ số sàn này, với đà tăng khá tốt của PVS, PVC, PVB, PGS… Đáng chú ý, DCS đã tăng kịch trần lên 3.800 đồng/CP và khớp lệnh, 1,46 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, SHB mới là mã có thanh khoản tốt nhất với 1,52 triệu đơn vị được khớp, nhưng chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu 6.400 đồng/CP.

Mặc dù sắc xanh thị trường vẫn được duy trì khá ổn, tuy nhiên, sự thận trọng vẫn cao trước tâm lý đề phòng về một phiên bulltrap như nhận định của một số CTCK.

“Trong phiên 25/5, VN-Index có thể phục hồi, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là một phiên bull trap điển hình, khi mà quá trình điều chỉnh được dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở các phiên sau đó”, CTCK Maritime (MSI) nhận định.

Trong suốt thời gian của phiên sáng, VN-Index liên tục quay đảo chiều và vẽ lên đồ thị hình răng cưa do chịu tác động từ diễn biến của một số mã bluechip trước khi đóng cửa với phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Một điểm tích cực nữa là sức cầu được duy trì tương đối ổn định tại mỗi nhịp giảm, nhờ đó mà sắc xanh của thị trường cũng được duy trì.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,05 điểm (+0,5%) lên 614,67 điểm với 112 mã tăng và 76 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 3,86 điểm (+0,47%) lên 617,48 điểm với 16 mã tăng và 3 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,7 triệu đơn vị giá trị hơn 1.189 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 14,7 triệu đơn vị, giá trị gần 197 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,24%) lên 81,46 điểm với 81 mã tăng và 65 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,46 điểm (+0,32%) lên 146,47 điểm với 11 mã tăng và 8 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,1 triệu đơn vị giá trị hơn 309 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng đóng góp đáng kể với hơn 8,89 triệu đơn vị, giá trị gần hơn 58 tỷ đồng.

Tuy không còn tăng đồng đều như nửa đầu phiên, nhưng một số mã chủ chốt trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí, ngân hàng vẫn ổn định.

VBC, BID và EIB cùng tăng từ 100-300 đồng, trong đó EIB hút khá tốt dòng tiền ngoại. STB và CTG cùng đứng tham chiếu, MBB giảm nhẹ 1 bước giá. Mặc dù ổn định về mặt điểm số, song về thanh khoản lại ít tích cực. Mã thanh khoản tốt nhất nhóm là SHB với 2,09 triệu đơn vị và tăng 100 đồng lên 6.500 đồng/CP, các mã khác đều chưa chạm đến mức 580.000 đơn vị của BID.

Nhóm dầu khí có phần trội hơn so với nhóm ngân hàng. Các mã dầu khí lớn chỉ có PVT giảm tối thiểu, hầu hết còn lại đều tăng điểm, thanh khoản cao.

GAS tăng 1.000 đồng lên 57.500 đồng/CP. PVD tăng 600 đồng lên 29.500 đồng/CP và khớp được 1,42 triệu đơn vị. PVS tăng 300 đồng lên 18.200 đồng/CP và khớp được 1,09 triệu đơn vị.

Mặc dù dầu khí và ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính của thị trường, song đáng chú nhất trong nửa cuối phiên sáng nay chính là việc bất ngờ tăng điểm của nhóm cổ phiếu chứng khoán chủ chốt sau thời gian dài “im hơi, lặng tiếng”.

HCM là mã nổi bật nhất với mức tăng mạnh 1.400 đồng lên 30.200 đồng/CP và khớp được 1,79 triệu đơn vị. SSI cũng quay đầu tăng 100 đồng lên 20.800 đồng/CP và khớp lệnh 1,11 triệu đơn vị. Các mã khác như VND, BVS, VIX… cũng đều giữ sắc xanh, khối lượng giao dịch cải thiện.

Về mặt thanh khoản, SBT gây bất ngờ với lượng khớp lệnh mạnh ngay từ đầu phiên, qua đó giữ vị trí số một về thanh khoản trên thị trường với 5,29 triệu đơn vị được khớp.

Dòng tiền cũng đã tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó khá nhiều mã đạt sắc tím như HAX, ATA, BGM, CCL, KSH, PTL, PXT, DCS, SPI… Trong đó, KSH khớp 2,03 triệu đơn vị, DCS khớp 1,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý giao dịch thỏa thuận trong phiên sáng nay có đóng góp lớn vào thanh khoản chung của thị trường.

Trong đó, hơn 7,46 triệu cổ phiếu HHS được thỏa thuận ở mức giá trần, trị giá hơn 67 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HHS còn được khớp lệnh xấp xỉ gần 2 triệu đơn vị. Dù vậy, kết phiên sáng, HHS vẫn giậm chân ở mức giá tham chiếu 8.500 đồng/CP.

Được biết, CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) đã đăng ký mua toàn bộ hơn 67,4 triệu cổ phiếu HHS từ các sếp lớn tại HHS như ông Đỗ Hữu Hậu, Đỗ Hữu Hạ, Đỗ Hữu Hưng...

Ngoài HHS, thỏa thuận mạnh còn có hơn 7,8 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 45,4 tỷ đồng.

Phiên giao dịch chiều 25/5: Cổ phiếu dầu khí cứu VN-Index

Nỗ lực chinh phục mốc 615 điểm của VN-Index trong phiên hôm nay suýt nữa khiến chỉ số này phải trả giá nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tương tự như phiên giao dịch sáng, diễn biến trồi sụt mạnh quanh mốc 615 điểm tiếp tục diễn ra với VN-Index trong phiên chiều nay.

Ngay sau giờ nghỉ, VN-Index đã nhanh chóng leo qua mốc cản này. Tuy nhiên, áp lực bán đã gia tăng mạnh ngay sau đó, khiến chỉ số lập lức lùi trở lại, thậm chí còn bị ép về sát mốc tham chiếu về cuối phiên.

Cũng giống như VN-Index, chỉ số HNX-Index cũng diễn biến có phần kém tích cực. Áp lực bán mạnh ở nhóm bluechips trên sàn HNX khiến chỉ số đuối dần và lùi qua tham chiếu. HNX-Index chỉ may mắn tăng đúng 0,01% nhờ vào một vài mã dầu khí lớn còn tăng điểm nhẹ.

Như vậy, VN-Index đã lần thứ 2 trong phiên giao dịch hôm nay phải “chào thua” trước mốc 615 điểm. Việc VN-Index liên tục thất bại khi thử thách mốc cản này cho thấy, động lực tăng của thị trường hiện tại là khá yếu.

Đóng cửa, với 109 mã tăng và 105 mã giảm, VN-Index tăng 0,27 điểm (+0,04%) lên 611,89 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,88 điểm (-0,31 %) về 612,74 điểm với 11 mã tăng và 13 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 111,84 triệu đơn vị giá trị hơn 1.967,59 tỷ đồng.

Tương tự, với 99 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0 điểm (+0,01%) lên 81,27 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,23 điểm (-0,15%) về 145,79 điểm với 8 mã tăng và 9 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,69 triệu đơn vị giá trị hơn 598,73 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận tiếp tục có đóng góp lớn trong thanh khoản chung của thị trường phiên hôm nay với tổng giá trị thỏa thuận trên 2 sàn đạt gần 500 tỷ đồng. Ngoại trừ thỏa thuận 7,46 triệu cổ phiếu HHS và 7,83 triệu cổ phiếu SHB, còn có các giao dịch thỏa thuận đáng chú ý khác như 5,9 triệu cổ phiếu ACB, giá trị hơn 110 tỷ đồng; 6 triệu cổ phiếu HNG, giá trị hơn 45,6 tỷ đồng; 4 triệu cổ phiếu KBC, giá trị hơn 53,4 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu KSA, giá trị hơn 5,9 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến trụ ngân hàng gần như gãy, chỉ còn VCB và EIB là tăng điểm nhẹ. STB và CTG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, STB giảm 300 đồng, CTG đứng tham chiếu.

Sóng chứng khoán cũng lặn rất nhanh. Chỉ còn HCM giữ được mức tăng mạnh 1.000 đồng lên 29.800 đồng/CP và khớp lệnh 2,2 triệu đơn vị, các mã khác đã giảm điểm hoặc chỉ đứng tham chiếu. SSI giảm 100 đồng về 20.600 đồng/CP và khớp được 1,69 triệu đơn vị. VIX lùi về tham chiếu 7.500 đồng và khớp 1,95 triệu đơn vị.

Các mã VNM, MSN, BVH cũng quay đầu giảm điểm. HSG giảm 700 đồng về 47.500 đồng/CP và khớp 1,04 triệu đơn vị. HPG lùi về tham chiếu 33.700 đồng/CP, khớp lệnh 1,84 triệu đơn vị.

Duy chỉ còn nhóm dầu khí là có được sự ổn định và trở thành “chỗ dựa vững chắc” cho các chỉ số. Trong đó, các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT, PVS, PVC… giữ sắc xanh. PVD tăng 500 đồng lên 29.400 đồng/CP và khớp 2,04 triệu đơn vị. PVS giữ vững mức tăng 200 đồng lên 18.100 đồng/CP và khớp 1,53 triệu đơn vị.

PTL và PXT giữ được sắc tím. PVX lùi 1 bước giá về 2.400 đồng/CP và khớp lệnh 2,98 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX.

Thanh khoản cao nhất thị trường vẫn là SBT với 6,67 triệu đơn vị được khớp, tăng mạnh 1.600 đồng lên 32.200 đồng/CP.

Không chỉ áp lực bán ra, mà sức cầu thị trường cũng yếu đi nhiều trong phiên giao dịch chiều nay. Nhà đầu tư đã thận trọng hơn với các giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là ở các mã đầu cơ.

Dù dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm này, song mức tăng thanh khoản ở các mã như HHS, HQC, TSC, FIT, HNG, HAG, FLC, KLF, SCR, TVC, KHB… chỉ còn nhúc nhắc.

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán

 

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán