Những tưởng nhịp hồi phục được duy trì cho đến khi đóng cửa và VN-Index có chọn tuần giao dịch tăng điểm, song áp lực bán lại tăng cuối phiên khiến chỉ số này lùi trở lại dưới mốc tham chiếu.
Phiên giao dịch sáng 3/6: VNM níu chân VN-Index
(Dòng tiền đầu cơ đang có dấu hiệu nhập cuộc, tuy nhiên do chịu sức ép từ một vài mã lớn, nhất là VNM khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, trong khi HNX-Index duy trì đà tăng tốt trong phiên sáng nay.
Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp và vượt thành công mốc cản 620 điểm, VN-Index đang đứng trước áp lực điều chỉnh.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,06 điểm (-0,03%) về 623,21 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 3,65 triệu đơn vị, giá trị 46 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường tiếp tục diễn biến giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu.
Áp lực đang đè lên nhóm cổ phiếu lớn. Các mã VNM, VIC, MSN, BVH, FPT, KDC, HSG… đa phần giữ sắc đỏ hoặc đứng tham chiếu. Trong khi đó, nhóm ngân hàng cũng không khá hơn, khi phần nhiều là giảm điểm nhẹ.
Tuy nhiên, nhóm dầu khí và chứng khoán lại đang tăng điểm, giúp giảm bớt gánh nặng cho VN-Index. Trong đó ghi nhận nỗ lực đỡ giá của nhóm dầu khí, cho dù nhận thông tin không mấy tích cực về sản lượng dầu. Được biết, kết thúc phiên họp ngày hôm qua 2/6, OPEC vẫn chưa đạt được thỏa thuận với các bên về trần sản lượng dầu.
Mặc dù không nhận được sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu lớn hay các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, song độ rộng thị trường vẫn khá tích cực khi số mã tăng vẫn chiếm ưu thế hơn với 96 mã tăng so với 80 mã giảm (tính tại thời điểm 10h).
Có được điều này là nhờ dòng tiền đang tập trung khá tốt vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như HHS, BHS, TTF, NLG, LCG, C32… Ngay cả nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng đang có được giao dịch khá tích cực, các mã như HHS, FIT, PPI, OGC, VHG, NVT… giữ sắc xanh.
HHS đang dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 3,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi VN-Index rung lắc mạnh và giao dịch dưới mốc tham chiếu, thì chỉ số HNX-Index lại tăng điểm khá tốt ngay khi mở cửa và sắc xanh được duy trì vững vàng với sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn sàn này và nhóm dầu khí như PVS, PVC, DBC, BCC, HUT, VCG…
Các mã PVS, VCG, SHB, KLF đều đang giao dịch khá tích cực, trong đó VCG khớp lệnh mạnh nhất sàn với 2,2 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa vẫn tương đối ổn định, thì áp lực khá mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index tiếp tục diễn biến trồi sụt, chỉ số liên tục đổi màu, song sắc đỏ vẫn là chủ đạo. Còn HNX duy trì vững sắc xanh nhờ nhóm HNX30 tăng tốt cả về điểm số và thanh khoản.
Về thanh khoản, sau cú rung lắc mạnh ngay đầu phiên, cộng thêm mô hình 2 đỉnh đang hiện hữu, khiến nhà đầu tư giao dịch càng thận trọng hơn, thanh khoản theo đó sụt giảm mạnh trở lại, nhất là trên HOSE.
Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn được duy trì, trong đó đáng kể được dồn vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Với sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền đầu cơ, đã có khá nhiều mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị như KSA, TSC, VHG, HAR, FIT, KBC, ITA, HHS, HAG, FLC, IJC, KSH, VNE.
Trong đó, HHS vẫn dẫn dầu thanh khoản toàn thị trường với 4,05 triệu đơn vị được khớp, tăng 300 đồng lên 8.600 đồng/CP. VHG tăng nhẹ hơn vói 100 đồng lên 7.400 đồng/CP và khớp 3,5 triệu đơn vị.
KSH tăng trần lên 3.800 đồng/CP và khớp được 1,23 triệu đơn vị. Nhiều mã đạt sắc tím khác như LCM, NVT, PTL, PXT, TIX, STT, VNH, VNG, VNA…
Ngược lại, sau chuỗi tăng điểm tốt trước đó, áp lực đã gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Đồng thời, sự thận trọng còn khiến thanh khoản của nhóm này khá yếu. VNM giảm 2.000 đồng về 139.000 đồng/CP. VIC, VCB, CTGm BVH…đứng tham chiếu, trong khi HSG, FPT, MBB, STB… giảm điểm nhẹ.
VN-Index không lùi sâu nhờ một số mã còn tăng điểm như MSN, SBT, NT2, HPG, HCM, PVD… trong đó chỉ có PVD và HPG đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. PVD tăng 700 đồng lên 32.200 đồng/CP, HPG tăng 400 đồng lên 35.600 đồng/CP.
Trên sàn HNX, nhóm HNX30 tiếp tục có sự cải thiện cả về thanh khoản và điểm số, qua đó hỗ trợ tích cực cho HNX-Index. Nhiều mã trong nhóm này đạt thanh khoản trên 1 triệu là VCG, SHB, SCR, PVS, PVC, KLF, HUT và DCS. Ngoại trừ DCS giảm nhẹ 1 bước giá và SCR đứng tham chiếu, còn lại đều tăng điểm.
VCG tăng mạnh 800 đồng/CP và khớp được 3,98 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn. SHB và KLF khớp lần lượt 2,5 triệu và 2,7 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,11%) về 622,7 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,81 điểm (-0,13%) về 620,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 67,17 triệu đơn vị, giá trị 1.046,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn 37 tỷ đồng.
Ngược lại, HNX tăng 0,32 điểm (+0,39%) lên 82,78 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,12 điểm (+0,75%) lên 149,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,68 triệu đơn vị, giá trị 366,18 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 18 tỷ đồng.
Phiên giao dịch chiều 3/6
Những tưởng nhịp hồi phục được duy trì cho đến khi đóng cửa và VN-Index có chọn tuần giao dịch tăng điểm, song áp lực bán lại tăng cuối phiên khiến chỉ số này lùi trở lại dưới mốc tham chiếu.
Ngay sau giờ nghỉ trưa, VN-Index đã có dấu hiệu tích cực hơn khi nhân tố tạo lực cản trong phiên sáng là nhóm cổ phiếu lớn có sự hồi phục. Chẳng hạn, VNM chỉ còn giảm tối thiểu, còn MSN và GAS thì tăng điểm nhẹ…
Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu áp lực khá lớn và tâm lý nhà đầu vẫn thận trọng, chính vì vậy, diễn biến giằng co mạnh tiếp tục chi phối. Song, khác với phiên sáng, VN-Index đã từng bước nhích qua tham chiếu nhờ sự hồi phục của các mã lớn trên.
Những tưởng nhịp hồi phục này sẽ được duy trì cho đến khi đóng cửa và VN-Index có phiên cuối tuần vui vẻ, qua đó có chọn tuần giao dịch “vui vẻ”. Tuy nhiên, ngay khi bươc vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, áp lực bán đã bất ngờ tăng trở lại, nhất là ở các mã lớn. Vì vậy, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại về gần mốc 620 điểm.
Trong khi đó, với lực đỡ khá vững của một số mã lớn, HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh, cho dù đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Mặc dù thị trường không như kỳ vọng, song điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì ổn định trên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đồng thời chảy tích cực hơn vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Nhờ đó, dù VN-Index giảm điểm, song độ rộng trên HOSE lại cân bằng với 106 mã tăng và 105 mã giảm, trong khi còn khá tích cực trên HNX với 122 mã tăng và 104 mã giảm. Thanh khoản thị trường chung cũng được cải thiện tương đối tốt.
Đóng cửa phiên cuối tuần 3/6, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,24%) về 621,88 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,13 điểm (-0,03%) về 621,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,17 triệu đơn vị, giá trị 2.118,97 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,6 triệu đơn vị, giá trị 295,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,314 triệu cổ phiếu VNM, giá trị gần 187 tỷ đồng.
Ngược lại, HNX tăng 0,21 điểm (+0,25%) lên 82,66 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,92 điểm (+0,62%) lên 149,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,22 triệu đơn vị, giá trị 617,73 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,66 triệu đơn vị, giá trị 29,33 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,355 triệu cổ phiếu VIX, giá trị gần 11 tỷ đồng.
Không chỉ khiến VNM, BVH, FPT, KDC, … hay BID, MBB, CTG không thể cải thiện sắc đỏ, mà áp lực bán còn khiến các trụ đỡ khác của thị trường là nhóm dầu khí và chứng khoán quay đầu giảm điểm.
GAS giảm 1.000 đồng, PVT giảm 300 đồng, HCM và SSI cùng giảm 100 đồng, trong đó SSI khớp được 1,09 triệu đơn vị. HSG cũng giảm 100 đồng về 37.200 đồng/CP và khớp 1,39 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, các mã VIC, VCB, STB, PVD, HPG… có được sắc xanh, nên VN-Index hãm bớt được đà giảm.
VIC lình xình cả phiên giao dịch, song đóng cửa vẫn tăng 500 đồng lên 54.000 đồng/CP. Được biết, lãi ròng quý I của VIC đã tăng 27% sau soát xét nhờ giảm dự phòng giá vốn, đạt gần 779 tỷ đồng.
HPG tăng 400 đồng lên 35.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản đã tăng vọt trong phiên giao dịch chiều, cả phiên khớp lệnh 6,46 triệu đơn vị, cao thứ 2 thị trường.
Như đã nêu trên, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã có tính đầu cơ, dòng tiền vẫn duy trì sự tích cực. Theo đó, số lượng các mã tăng điểm và có thanh khoản cao tiếp tục được mở rộng lên tới vài chục mã, góp phần giúp thị trường cân bằng trở lại, cũng như có sự cải thiện khá đáng kể về thanh khoản.
Đáng chú ý trong nhóm này chính là HHS khi đã tăng kịch trần lên 8.800 đồng/CP, đồng thời khớp được 7,06 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.
Ngoài HPG, có sự gia tăng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số trong phiên chiều nay còn có TDH, LDG, LSS, VNS.
Trên sàn HNX, dòng tiền tiếp tục tập trung chủ yếu tại các mã trong nhóm HNX30 như VCG, SHB, SCR, PVS, PVC, KLF, HUT, DCS, VND và NDN
Trong đó, VCG vẫn khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 5,97 triệu đơn vị được khớp, tăng 600 đồng lên 12.200 đồng/CP.
SCR khớp 5,12 triệu đơn vị được khớp, nhưng quay đầu giảm 100 đồng xuống 9.500 đồng/CP.
Ngoài các mã trên, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn có VIX, TIG, PVL và TVC.
Nguồn: Tin nhanh chứng khoán