Thị trường chứng khoán Việt Nam dù đã liên tiếp xác lập các kỷ lục lịch sử về điểm số và thanh khoản, nhưng giới phân tích cho rằng, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn, thậm chí thị trường mới đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.
*Chương mới của thị trường
Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, có thể thấy rõ qua số lượng công ty Việt Nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD đã tăng từ 10 công ty vào năm 2015 lên gần 50 công ty hiện nay và tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP của Việt Nam, tương đương với các nước trong khu vực.
Theo vị chuyên gia này, gần đây, việc số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến đã góp thêm động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng gấp đôi trong năm 2020 và chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới nhiều hơn số tài khoản mới trong năm 2019 và 2020 cộng lại.
Số lượng tài khoản mới hàng tháng cao kỷ lục đã được báo chí trong nước đưa tin rộng rãi, điều này lại càng thu hút các nhà đầu tư trên tài khoản chứng khoán Việt Nam và giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng bất chấp tình hình COVID-19 trong năm nay.
Sự sôi động của thị trường chứng khoán gần đây một phần bắt nguồn từ mức giảm khoảng 1,5% của lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm. Lãi suất bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi của họ đáo hạn.
Nhà đầu tư Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam gần đây giảm dần vì một số lý do, bao gồm việc chậm trễ tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của COVID-19, trong khi vàng hiện cũng mất dần sức hút khi khi chênh lệch giá mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái, và vì giá vàng Việt Nam đã cao hơn 17% so với giá vàng thế giới (Việt Nam áp đặt hạn ngạch nhập khẩu vàng rất chặt chẽ).
Trong bối cảnh không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, ngày càng có nhiều người gửi tiết kiệm trong nước chuyển sang thị trường chứng khoán. Sự nhiệt tình của các nhà đầu cá nhân mới đang bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán, với tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân hiện tại vẫn còn rất thấp so với quy mô dân số. Qua đó, có thể thấy sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán trong tương lai.
Các cộng đồng đầu tư đang được hình thành cùng với các cuộc thảo luận trực tuyến rất tích cực và chi tiết về cổ phiếu, quỹ đầu tư, và quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục); trong đó, các công ty quản lý quỹ trong nước bao gồm cả công ty quản lý quỹ thành viên của VinaCapital đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
“Chúng tôi cho rằng sự nhiệt tình hiện tại của các nhà đầu tư cá nhân là một dấu hiệu tích cực về xu hướng tiếp tục phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, dù sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vẫn còn khiêm tốn”, Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá.
Số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước, và con số này tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986.
Việt Nam áp dụng “Mô hình phát triển Đông Á”, mô hình mà Đài Loan (Trung Quốc) và các “Con hổ châu Á” đã từng áp dụng để phát triển thịnh vượng để theo đó, thị trường chứng khoán của những “Con hổ châu Á” này tăng trưởng thần tốc cùng với sự phát triển kinh tế quốc gia
“Chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ”, Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nêu quan điểm.
Ông cũng cho rằng, lĩnh vực quỹ mở của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, quỹ hưu trí doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu được giới thiệu và thực tế là các sản phẩm phái sinh cũng chỉ mới được giới thiệu tại thị trường trong nước (loại hình đầu tư này dành cho nhà đầu tư trong nước vẫn còn sơ khai).
* Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn
Theo chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Sacombank-SBS, năm 2020 cũng như 2021 được coi là “kỳ dị” nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu chứ không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam. Những khó khăn của nền kinh tế và diễn biến của thị trường chứng khoán không tương đồng với nhau, quá trình này thậm chí đã trải qua thời gian khá dài và vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tới hầu hết các ngành nghề, đầu tư chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn để thay thế.
Quy chiếu với chứng khoán thế giới và các nước khác trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản vẫn đang trong xu thế đồng pha với thị trường quốc tế dù có độ trễ ít nhiều.

 Điều này được hỗ trợ bởi nền tảng lãi suất thấp, lạm phát trong tầm kiểm soát, cộng với nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn của người dân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Số tài khoản giao dịch chứng khoán tính đến nửa đầu năm nay dù được mở mới rất nhiều, nhưng mới chỉ tương đương 3% dân số Việt Nam, vẫn còn nhiều dư địa mở rộng và phát triển khi hướng tới mục tiêu 5% dân số tham gia thị trường vào năm 2025.
Việc đưa vào sử dụng hệ thống KRX vào đầu năm sau cho phép các nhà đầu tư thực hiện giao dịch lô lẻ, giao dịch T0 (giao dịch chứng khoán trong ngày), đặc biệt hứa hẹn giúp tăng thanh khoản cho thị trường, giúp thị trường Việt Nam bắt kịp với các thị trường trên thế giới.
Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) khi hệ thống giao dịch mới được triển khai cũng là một động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Bên cạnh đó theo giới phân tích, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn đến từ các thị trường quốc tế khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong những cuộc họp Uỷ ban thị trường mở (FOMC) gần đây đã chú ý đến vấn đề lạm phát tăng cao.
Theo dự đoán của nhiều nhà kinh tế, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch ban đầu và thu hẹp các chương trình mua tài sản (đồng nghĩa rút dần chính sách tiền tệ nới lỏng) điều này làm dấy lên lo ngại về dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên; trong đó có Việt Nam.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo cho nhóm ASEAN-5 gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam xuống 0,6% còn 4,3% do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp đã phát hành thêm cổ phiếu trong nửa đầu năm 2021 cũng như còn rất nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành ở nửa cuối năm.
Cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, đặc biệt nhóm ngân hàng, cũng như đăng ký bán cổ phiếu quỹ khi thị trường sôi động. Điều này làm tăng nguồn cung cổ phiếu trong tương lai trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng không nhỏ tới đà tăng của thị trường./.

Nguồn: bnews.vn