Theo Science Alert, việc tắt, bật thường xuyên gây tác động lên các bộ phận của máy tính và làm máy xuống cấp nhanh hơn, nhưng để máy hoạt động liên tục cả ngày cũng làm giảm tuổi thọ của máy. Vậy tắt máy hay không tắt máy sẽ tốt hơn?

"Việc tắt máy hay không phụ thuộc vào tần suất sử dụng," Steven Leslie, chuyên gia máy tính của Geek Squad, công ty hỗ trợ máy tính 24/24h ở Mỹ, nói.

"Nếu bạn thường xuyên dùng máy tính trong ngày, tốt nhất cứ để nó bật," Leslie khuyên. "Nếu chỉ dùng 1-2 giờ mỗi ngày, hoặc ít hơn, hãy tắt máy."

Theo Leslie, cho dù bật máy suốt ngày, nhưng nếu người dùng không chạy những chương trình nặng, tốn bộ nhớ, nguồn điện chạy qua máy vẫn ổn định. Việc tắt bật máy nhiều lần trong ngày làm xáo trộn dòng điện, giảm tuổi thọ của máy tính.

Tuy nhiên, đối với máy tính cũ, để máy cả ngày có hại hơn tắt nó đi, cho dù phải tắt bật nhiều lần trong ngày. Máy tính cũ có ổ cứng lớn và cồng kềnh, làm nóng máy nếu sử dụng trong thời gian dài, khiến hiệu suất máy kém đi.

"Một số bộ phận có chu kì hoạt động hạn chế. Ví dụ nếu bật màn hình máy tính LCD liên tục, nó chỉ sử dụng được trong 15.000 giờ, tương đương 2 năm. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu tắt nó đi khi không sử dụng," Ajay Gupta, giám đốc quản lý sản phẩm máy tính xách tay và máy tính thương mại của hãng HP cho biết.

"Vòng đời của pin và ổ cứng cũng có hạn. Tắt hoặc cho những bộ phận này ngủ (sleep) khi không sử dụng sẽ kéo dài tuổi thọ của chúng.

Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia máy tính vẫn tranh cãi nhau về ảnh hưởng của việc tắt và khởi động máy tính. Nó còn phụ thuộc vào người dùng, năng lượng tiêu thụ, các chương trình hoạt động, tiết kiệm thời gian khởi động và các vấn đề khác.

Leslie cho rằng để máy ở trạng thái ngủ (sleep) tốt hơn ở trạng thái ngủ đông (hibernate) vì trạng thái thứ hai gây ra tác động tương tự như bật, tắt máy.