Các sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam luôn có nhu cầu cao ở thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây có mức độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, bình quân khoảng 10%/năm, có đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD. 
Trong bối cảnh của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 250 triệu USD tăng 10,8%; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 90 triệu USD, tăng 11%. Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 2,3 triệu lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp có thu nhập thấp sang lao động ngành nghề có thu nhập cao hơn. Mức thu nhập của người lao động ngành nghề cao gấp 2 đến 3 lần so với thu nhập của người lao động thuần nông. 
Bên cạnh đó là những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA đối với ngành hàng này. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến các tập quán lao động, an toàn và sức khỏe của công nhân, sản xuất sạch - thân thiện với môi trường… Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng được dự báo sẽ ngày càng được phát triển. 
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhận định: Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, dù có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, song ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại. Theo đó, việc phát triển sản xuất cũng còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; hạn chế về đào tạo kỹ thuật cơ bản, ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt yêu cầu hợp chuẩn quốc tế ngày càng tăng, trong khi số DN Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, hợp chuẩn còn rất ít. 
Mặc dù, thủ công mỹ nghệ không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng trong một xã hội phát triển, nhu cầu hàng trang trí đóng vai trò ngày càng cao. Tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ rất lớn, hơn 100 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2%. Do đó dư địa phát triển cho ngành hàng này là rất lớn. Để nắm bắt cơ hội thị trường, ông Lê Bá Ngọc khuyến nghị các DN cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó, có truy xuất nguồn gốc. Tiến trình sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các DN thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Do đó, để ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành thủ công mỹ nghệ cần xác định dịnh hướng chiến lược xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giai đoạn 2021 – 2025. 
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực – phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025. 
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là vấn đề hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nguồn: Nguyễn Đăng / Pháp luật và xã hội