Kể từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ban hành, chỉ số sản xuất công nghiệp liên tiếp tăng, cho thấy tính ổn định của các nhà máy và người lao động đã yên tâm trở lại sản xuất, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện...
Ông Hiumin Liu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam - cho biết, ngay trong quý I/2022, 2.000 công nhân đã được lấp đầy để tiến hành sản xuất thử vào quý II và sản xuất hàng loạt vào quý III, đảm bảo công suất lên tới 14 triệu sản phẩm/năm. “Việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn TP. Hải Phòng và sự thông thoáng trong vận chuyển hàng hóa logistics, máy móc, trang thiết bị đã giúp DN chúng tôi đảm bảo kế hoạch giai đoạn 1 của dự án; tăng nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa trước sự cạnh tranh cao độ của ngành dịch vụ sản xuất điện tử hiện nay” - ông Hiumin Liu khẳng định.
Theo ông Đỗ Phước Tống - Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, năm 2022, DN sẽ rất nhiều việc. Mặc dù dự án nhà máy sản xuất công nghệ cao của DN vừa khởi công đầu tháng 10/2021, nhưng liên tục nhận đơn đặt hàng. “Chúng tôi đang đẩy mạnh tiến độ thi công dự án để đưa nhà máy vào sản xuất trong quý II/2022” - ông Đỗ Phước Tống bày tỏ quyết tâm.
Tương tự, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nhưng năm vừa qua, Samsung Việt Nam đã tăng trưởng 14%. Trong 2 tháng đầu năm, Samsung vừa tổ chức tuyển dụng trên 2.400 kỹ sư có tay nghề cao để phục vụ cho sự mở rộng sắp tới. Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - cho hay, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp rất tốt để hỗ trợ và giúp DN có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng. Trong thời gian tới, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đạt vị thế kinh doanh cao hơn tại Việt Nam.
Đảm bảo tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, việc nối lại chuỗi cung ứng của các nhà máy ngành nghề chủ lực ngay quý I/2022 đang giúp tháo gỡ các “nút thắt” trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) - cho biết, hoạt động sản xuất của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc ngay khi mở cửa trở lại. Do đó, vị chuyên gia này đánh giá, quý I là giai đoạn các nhà máy có thể quay trở lại hoạt động hết công suất nhờ Chính phủ đã đưa ra chương trình kích thích kinh tế kịp thời. “Sự phục hồi sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn khi sang đầu quý II các đơn hàng dồi dào và đối tác định hình lại chuỗi sản xuất. Mức tăng trưởng từ 6,5% của Việt Nam là rất khả quan trong năm nay” - ông Tim Leelahaphan phân tích.
Để tạo đà cho hoạt động sản xuất những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương cho biết, cần tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng; sản xuất, xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ôtô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... Cùng với đó, ngành Công Thương sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân, giúp DN khôi phục nguồn lực về tài chính và lao động, phục vụ cho sản xuất.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Nguồn: Lan Anh/congthuong.vn