Những công trình lịch sử
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất lắp đặt 1.920MW (8 x 245MW), được khởi công xây dựng vào tháng 11/1979 - đúng thời điểm đất nước đang “gồng mình” phục hồi sau chiến tranh. Đây được coi là công trình thế kỷ, biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô và cũng là “nhạc trưởng” của hệ thống điện Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm, nhà máy đóng góp hơn 10 tỷ kWh điện. Tính đến ngày 24/5/2016, Thủy điện Hòa Bình đã phát lên lưới điện quốc gia đạt mốc 200 tỷ kWh; hàng năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh địa phương Tây Bắc.
Thủy điện Hòa Bình còn tham gia chống lũ cho Đồng bằng Bắc bộ với tần suất trung bình mỗi năm từ 5 - 7 trận lũ có lưu lượng từ 5.000 - 22.000m3/s. Đồng thời, bảo đảm chống hạn, cung cấp nước tưới cho đồng bằng và trung du Bắc bộ với gần 834.000ha đất nông nghiệp, lưu lượng nước từ 3 - 5 tỷ m3. Đặc biệt, nguồn nước từ Thủy điện Hòa Bình đã được khai thác để cung cấp nước sạch cho TP. Hà Nội.
Nhà máy thủy điện thứ hai của EVN trên dòng sông Đà là Thủy điện Sơn La với công suất 2.400MW (6 x 400MW), sản lượng điện bình quân hàng năm là 10 tỷ kWh. Nhà máy được khởi công xây dựng cuối năm 2005, khánh thành vào tháng 12/2012 - vượt trước 3 năm so với tiến độ Quốc hội phê duyệt.
Thủy điện Sơn La không chỉ là niềm tự hào của ngành điện Việt Nam mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước về quy mô, công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên đều do người Việt Nam thực hiện từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt toàn bộ thiết bị công nghệ của nhà máy đến giám sát, kiểm tra thí nghiệm, hiệu chỉnh, nghiệm thu chạy thử, tiếp quản và quản lý vận hành. Do vậy, đây được coi là công trình kết tinh của bản lĩnh, trí tuệ 60 năm xây dựng và phát triển ngành điện Việt Nam.
Từ khi Nhà máy Thủy điện Sơn La khánh thành đến hết tháng 8/2017, sản lượng điện nhà máy phát lên lưới quốc gia đạt hơn 53,217 tỷ kWh; nộp ngân sách cho nhà nước và các tỉnh Tây Bắc đạt trên 8.248 tỷ đồng. Nhà máy góp phần quan trọng cho các tỉnh Tây Bắc dần tự chủ được nguồn ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...
Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng nơi “Phên dậu của tổ quốc” - bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà. Với 3 tổ máy, công suất lắp đặt 1.200MW, mỗi năm, nhà máy cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 4,67 tỷ kWh. Tương tự như Thủy điện Sơn La, bằng nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên người Việt, nhà máy đã hoàn thành vượt trước hơn 1 năm so với tiến độ Quốc hội phê duyệt. Đây cũng là công trình mang nhiều ý nghĩa, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam trong hành trình khuất phục dòng sông Đà hung dữ, tạo ra nguồn lợi lớn phục vụ phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hàng năm đóng góp ngân sách cho tỉnh Lai Châu gần 700 tỷ đồng/năm.
Đến những đóng góp to lớn
Những công trình thủy điện của EVN trên dòng sông Đà không chỉ đóng góp quan trọng về điện năng cho đất nước mà còn góp phần bố trí lại dân cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống và phát triển kinh tế nhân dân khu vực Tây Bắc. Đã có hàng chục nghìn hộ gia đình đồng bào được tái định cư nơi ở mới với điều kiện, đời sống tốt hơn. Các điểm tái định cư đều được đầu tư, xây dựng bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất như: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, diện tích đất canh tác... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chỉ riêng Thủy điện Sơn La, đến nay, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành cơ bản việc di dân tái định cư với tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.
Bên cạnh việc chăm lo, cải thiện đời sống cho người dân, các công trình thủy điện được xây dựng đã kéo theo hạ tầng giao thông thay đổi. Những con đường trục chính như quốc lộ 6; quốc lộ 37 kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; tuyến đường quốc lộ 127 Sơn La - Lai Châu hay tỉnh lộ, huyện lộ ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã được đầu tư, cải tạo mở rộng, giúp khoảng cách giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước được gần hơn. Qua đó, giúp người dân lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với những con đường, các cây cầu mới như: Tạ Khoa, Mường La; Pá Uôn bắc qua sông Đà… cũng được đầu tư xây dựng, giải quyết dứt điểm tình trạng “ngăn sông, cách đò”.
Đặc biệt, hồ thủy điện đã tạo cơ hội mới cho các địa phương Tây Bắc tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; đi lại, lưu thông hàng hóa đường thủy dễ dàng. Đơn cử như lễ hội đua thuyền, lễ hội gội đầu của nhân dân huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) và nhân dân thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) được tổ chức hàng năm đã là điểm thu hút khách du lịch qua miền Tây Bắc. Hồ Thủy điện Hòa Bình với Thung Nai cũng thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm. Ngoài ra, với diện tích mặt hồ rộng đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân khu vực quanh sông Đà phát triển nghề đánh bắt và nuôi cá lồng bè, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Các thủy điện cũng giúp môi trường ngày càng tốt hơn thông qua việc trồng bù rừng, chăm sóc rừng, giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu ngày một gia tăng...
Tổng công suất các nhà máy thủy điện của EVN trên dòng chính sông Đà đạt hơn 5.560 MW; cung cấp 25 tỷ kWh điện sạch/năm - chiếm hơn 14% sản lượng điện của toàn Tập đoàn.
Nguồn: Cường Dũng/Báo Công Thương điện tử