Các đề án khuyến công chủ yếu tập trung vào hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, thực hiện thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Tại các các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam đã thực hiện được 323 đề án khuyến công, với kinh phí là 36,1 tỷ đồng. Nhiều đề án được triển khai và ứng dụng thực tế hiệu quả như: Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền xay xát lúa gạo tỉnh Bạc Liêu; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến điều tỉnh Bình Phước; đề án hỗ trợ cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tỉnh Long An, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương...

Bên cạnh đó, thực hiện công tác khuyến công quốc gia, các địa phương đã có 50 đề án với kinh phí là 16,9 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015 trên địa bàn các tỉnh, thành phố...

Ngành khuyến công các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo ngành, nghề cho lao động, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn sản xuất sạch hơn, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thủ công: may, đan lát, gỗ mỹ nghệ, làm bánh kẹo… cho lao động phổ thông.

Về hỗ trợ thương hiệu, các địa phương đã tổ chức hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, thành phố hàng năm; đăng ký thương hiệu cho cơ sở sản xuất thuộc đề án khuyến công địa phương, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, hỗ trợ thuê tư vấn, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, tổ chức lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương.

Trong thời gian tới, các tỉnh thành phía Nam tiếp tục triển khai kế hoạch khuyến công đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ thực hiện. Trình UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; đầu tư phát triển một số làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; tạo điều kiện phát triển ngành nghề mới ở nông thôn để sử dụng các nguồn nguyên liệu tại chỗ và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình về sản xuất sạch hơn, Chương trình về tiết kiệm năng lượng và triển khai thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao vào khu, cụm công nghiệp phù hợp.

Ngoài ra, các Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam còn liên kết hợp tác để phát triển lĩnh vực công nghiệp, đầu tư xây dựng công trình điện, triển khai chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh công tác khuyến công, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới…

Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử